Saturday, October 4, 2014

Giáo sư Tôn Thất Thiện - Người đã ra đi



CÁO PHÓ

Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc gần xa Chồng, Cha, Ông, Em, Anh của chúng tôi là:


Giáo Sư TÔN THẤT THIỆN
Sanh ngày 22 tháng 9 năm 1924
(nhằm ngày 24 tháng 8 năm Giáp Tý)
Tại Huế, Việt Nam
Từ trần ngày 3 tháng 10 năm 2014
(nhằm ngày 10 tháng 9 năm Giáp Ngọ)
Tại Ottawa, Canada
Hưởng thọ 91 tuổi

Linh cữu được quàn taị:
Pinecrest Cemetery, Cremation Centre & Mausoleum
Highland Park Cemetery
2500 Baseline Road, Ottawa, ONT K2C 3H9
Tel: (613) 829-3600

Tang Lễ được cử hành vào ngày Chủ nhật 5 tháng 10 năm 2014
(nhằm ngày 12 tháng 9 năm Giáp Ngọ)
Phát tang vào lúc 2:00 chiều
Thăm viếng từ 2:30 chiều đến 8:30 tối
Đọc điếu văn vào lúc 3:30 chiều

Lễ hạ huyệt vào ngày Thứ hai 6 tháng 10 năm 2014 vào lúc 9:00 sáng

TANG GIA ĐỒNG KHẤP BÁO

Vợ: Nguyễn Thị Lệ Vân
Trưởng Nữ: Tôn Nữ Nguyễn Phước Thùy Lan, chồng Vũ Tiết Hùng và các con Vũ Như Mây, Vũ Cung Đàn, Vũ Anh Sao
Thứ Nữ: Tôn Nữ Thúy Thảo, chồng Dzevad Cajic
Chị: Tôn Nữ  Thị Hoàng và các con, cháu
Em trai: Tôn Thất Nguyễn Phước Hiền, vợ Lương Thị Lưu và các con, cháu
Chị dâu: Nguyễn Xuân Phượng (bà quả phụ Tôn Thất Nguyễn Phước Hoàng) và các con, cháu
Em dâu: Nguyễn Thị Đạp Thanh (bà quả phụ Tôn Thất Đát) và các con, cháu
Cháu: Các con cháu của anh chị em đã quá cố Tôn Thất Khởi, Tôn Thất Hanh, Tôn Nữ Thị Liên,  Tôn Nữ Lan Huê

CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG
XIN MIỄN PHÚNG ĐIẾU

Với sự mất mát to lớn của gia đình, chúng tôi thành kính chia buồn cùng bà quả phụ Tôn Thất Thiện và quý tang quyến.
Nguyện hương linh Giáo sư Tôn Thất Thiện an nhiên chốn vĩnh hằng.

Huỳnh Ái Tông
Nguyên Phó Chủ tịch sáng lập Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh
Nguyên Hiệu Trưởng Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ-Sàigòn

Wednesday, October 1, 2014

ĐẠI HỌC VẠN HẠNH TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN



Bài của HUỲNH MAI
và các bạn Ban Báo Chí năm II (69-70)
TUYẾT NGÂN & CHÁNH TRỰC

"Viện Đại học Vạn Hạnh là một Viện Đại học của Phật Giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là sinh viên Vạn Hạnh chỉ gồm toàn những Phật tử. Hơn nữa, Viện Đại học Vạn Hạnh không phải chỉ là nơi để đào tạo các tu sĩ như một số người lầm tưởng...”"

Thượng tọa Viện trưởng Thích Minh Châu đã nói như trên trong dịp tiếp xúc với chúng tôi trước ngày Thượng tọa lên đường sang Hoa Kỳ tham dự hội nghị các Viện trưởng Đại học Việt Nam do lời mời của Viện Đại học Wisconsin.

Trong căn phòng làm việc được trang trú bằng màu xanh lá cây gây một cảm giác nhẹ nhàng và tươi mát, Thượng tọa Viện trưởng đã dành cho chúng tôi 40 phút để tìm hiểu về Viện Đại học Vạn Hạnh nhằm mục đích giới thiệu với các sinh viên về đường lối giáo dục, về tổ chức, cũng như về mọi sinh hoạt của một Viện Đại học Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam mà bấy lâu nay nhiều người chưa có cơ hội biết rõ.

Ý NGHĨA VÀ SỨ MỆNH CỦA ĐẠI HỌC VẠN HẠNH

Chính thức thành lập từ năm 1964, Viện Đại học Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam mang tên một nhà sư sáng suốt nhất được kính nể nhất của thời nhà Lý, Thiền sư Vạn Hạnh, người đã được vua Lý Nhân Tôn xưng tụng:

Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ký
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.

Có người tạm dịch:

Vạn Hạnh hợp ba tiếp
Thật đúng lời sấm xưa
Quê làng tên Cổ Pháp
Chống trượng vững quốc gia.

Như vậy, “Vạn Hạnh” ngoài vai trò là một cái tên để gọi, còn hàm chứa ý nghĩa sâu xa hơn, cái ý tưởng dung hợp cả ba kiếp: quá khứ, hiện tại, tương lai, trong tinh thần khai phóng (theo diễn văn của ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng danh dự phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn, vào ngày 3-11-1970).

Cũng trong tinh thần ấy, Viện chủ trương “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, hướng tất cả mọi hoạt động nhằm tạo cho người sinh viên một trí tuệ ứng dụng được vào các vấn đề cụ thể do xã hội thực tế đặt ra. Sứ mệnh của Viện Đại học Vạn Hạnh là tiêm nhiễm cho sinh viên ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ. Đó là lý do tại sao Viện được tạo dựng giữa thời kỳ chiến tranh bùng nổ ác liệt nhất. Theo Thượng tọa Viện trưởng, chiến tranh là tàn phá, và Đại học là kiến thiết; chiến tranh hạ thấp nhân phẩm, Đại học nâng cao tính cách thiêng liêng của mạng sống con người. Hơn nữa, Đại học chính là nơi đào tạo những lãnh tụ mà quốc gia sẽ cần tới mai sau. Với một sứ mệnh như vậy, Đại học không thể là vật hy sinh cho chính trị đương thời. Thượng tọa chủ trương giáo sư và sinh viên được tự do tham gia chính trị, nhưng không được lợi dụng danh nghĩa nhà trường. Bao giờ Viện Đại học Vạn Hạnh cũng tự đặt mình vào cộng đồng Đại học Việt Nam.

Các Phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh

Để thực hiện đường lối giáo dục nói trên, Vạn Hạnh mở ra phân khoa: Văn học, Phật học, Giáo dục, Khoa học Nhân văn. Văn học và Phật học vốn là hai phân khoa thường được xem như linh hồn của Viện Đại học này. Phân khoa giáo dục nhằm phổ biến một phương pháp giáo dục mới. Phân khoa Khoa học Nhân văn cốt đào tạo nhân tài cho các ngành thương mại, kỹ nghệ. Chót hết là trung tâm Ngôn ngữ với mục đích giúp cho sinh viên một số vốn ngoại ngữ căn bản.

Tổng số sinh viên Vạn Hạnh là 3,213 người, đó là chưa kể đến số tân sinh viên đang tấp nập ghi danh tại Văn phòng Viện. Thời hạn chót của việc ghi danh là ngày 31-10-1970. Nhưng nhà trường đã cho triển hạn theo lời yêu cầu của một số đông sinh viên.

PHÂN KHOA VĂN HỌC VÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN

Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn chú trọng đến việc xây dựng một nền Quốc học vững mạnh và việc phục hưng giá trị truyền thống dân tộc, trao đổi và thâu hóa văn hóa quốc tế, khuyến khích tinh thần sáng tạo của cá nhân và tập thể sinh viên. Thượng tọa Viện trưởng cho biết:

Sứ mệnh của các Văn khoa là đào tạo những người tha thiết cho tự do, cho lý tưởng nhân loại chứ không phải sản xuất ra hạng người vâng vâng, dạ dạ, sợ hãi chạy theo thế quyền hay thần quyền, phủ nhận nền văn hóa Việt Nam. Những sinh viên Văn khoa phải là lớp người can đảm, không chỉ biết thụ hưởng mà cần biết suy tư, biết lựa chọn con đường cho mình, bà chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn đó.”

Thật vậy, phân khoa Văn học đã và đang cố gắng phát huy cho sinh viên rõ vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc, nhịp cầu nối kết mọi người dân Việt Nam. Phân khoa cũng dạy cả văn hóa các nước khác với ý hướng tạo cho sinh viên một nền giáo dục phổ quát và giúp đỡ họ làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.

Văn khoa Vạn Hạnh gồm có các ban: Văn học Việt Nam, Triết học, Tâm lý thực nghiệm, Đông phương học, Sử Địa, Văn học Anh Mỹ, và Báo chí. Chương trình cử nhân Văn khoa gồm có 4 năm, năm thứ nhất sinh viên học chung, chỉ chia ban bắt đầu từ năm thứ hai.

Ngay trong năm đầu sinh viên được chia ra thành nhiều nhóm. Các giáo sư đưa ra nhiều đề tài cho sinh viên chọn lên thuyết trình từng nhóm một. Giáo sư hướng dẫn những buổi nói chuyện này và sau đó phê bình những ưu và khuyết điểm của các thuyết trình viên. Nhờ vậy mà sinh viên không bị mặc cảm xa cách đối với giáo sư và cũng không cảm thấy bị lạc lõng trong môi trường Đại học.

Đặc biệt trong niên khóa tới có giáo sư Dương Thiệu Tống, trưởng ban Văn học Anh Mỹ đã tăng cường một lực lượng giáo sư hùng hậu, trong đó có hai giáo sư Mỹ để dạy và luyện giọng cho sinh viên ban này.

Chúng tôi xin đặc biệt giới thiệu ngành Báo chí học, một ngành học được coi như là mới mẻ tại Việt Nam.

Ban Báo chí học do Giáo sư LêThái Bằng làm trưởng ban. Tuy là một môn học mới nhưng đã thu hút một số rất lớn sinh viên Văn khoa. Sinh viên ban Báo chí chọn Anh văn làm sinh ngữ chính.

Năm thứ hai sinh viên được học ba môn thuộc kiến thức tổng quát như: chính trị, kinh tế, triết học hiện đại; và ba môn thuộc kiến thức chuyên môn như: lịch sử báo chí, luật báo chí, và săn tin viết tin. Sang năm thứ ba, sinh viên có ba môn: chính trị Việt Nam, lịch sử thế giới hiện đại, và xã hội học là những môn tổng quát; và bốn môn: quảng cáo và giao tế nhân sự, kỹ thuật báo chí, các hãng thông tấn và cơ quan thông tin, tổ chức và quản trị tòa soạn, là những môn học thuộc về báo chí.

Cũng năm này, sinh viên được thực tập một tờ báo của trường, và được sử dụng nhà in của Viện. Cuối năm nhà trường sẽ giới thiệu cho sinh viên thực tập tại các cơ quan thông tấn và tại các tòa báo.

Anh Đinh Khắc Duyên, sinh viên năm thứ ba (69-70) đã cho chúng tôi biết trong kỳ hè vừa rồi có 20 sinh viên thực tập tại Việt Nam Thông Tấn Xã; 1 người ở Hòa Bình; 1 người ở Thời Đại Mới; 1 ở hãng thông tấn S.T.A., 2 ở Dân Chủ Mới; 1 ở Trắng Đen; và 1 ở Chính Luận. Hiện tại đã có 1 sinh viên làm việc luôn cho nhật báo Trắng Đen, và 2 sinh viên khác cho Dân Chủ Mới. Riêng năm thứ hai cũng có 1 sinh viên đang thực tập tại Chính Luận, và 2 tại tuần báo Đời Nay.

Lên đến năm thứ tư, sinh viên được dạy nhiều về những môn học kiến thức chuyên môn như: nhiếp ảnh và điện ảnh, kỹ thuật báo chí, tốc ký Việt, tốc ký Anh; và 2 môn tổng quát như: văn học hiện đại, và những vấn đề trọng đại của Việt Nam. Những vấn đề trọng đại này sẽ do các nhân vật có thẩm quyền thuyết trình.

Ngoài ra trong chương trình hội thảo, ban Báo chí cũng đã tổ chức một buổi hội thảo giữa sinh viên liên ban Báo chí học Đà Lạt - Vạn Hạnh với đề tài “Tương lai người sinh viên Báo chí” để gây tình thân hữu giữa sinh viên Vạn Hạnh và sinh viên các Đại học khác.

Một trong những sinh hoạt hứng thú nhất của ban Báo chí là được dự thính các hội nghị quốc tế về báo chí tổ chức tại Việt Nam. Điển hình là Hội nghị Báo chí Á châu 70, do Hiệp hội Phát triển Bang giao Quốc tế tổ chức hồi trung tuần tháng 3-1970 tại phòng họp của khách sạn Hoàn Mỹ.

Một số sinh viên cũng được tham dự chuyến thăm viếng Vũng Tàu và Huế của phái đoàn ký giả ngoại quốc trong khuôn khổ hội nghị nói trên. Đây là những cơ hội tốt để sinh viên làm quen với  không khí hội nghị và sinh hoạt tập thể, nhất là có dịp tiếp xúc với các nhà báo ngoại quốc ngỏ hầu học hỏi nơi các bậc đàn anh kinh nghiệm trong nghề, cũng như duy trì một sự liên lạc tốt đẹp về sau.

Thêm vào đó, giáo sư Lê Thái Bằng đã mời một số ký giả tiếng tăm đến viếng thăm ban Báo chí Vạn Hạnh cùng thuyết trình về những vấn đề liên quan đến báo chí tại Việt Nam và tại xứ họ. Chẳng hạn như giáo sư Jacques Léauté có chân trong UNESCO, và cũng là giám đốc Trung tâm Giáo dục Báo chí tại Strasbourg, Pháp; ký giả Tân Tây Lan Nicholas Turner đã từng cộng tác với hãng thông tấn xã Reuter tại Việt Nam; nhất là sự có mặt của vợ chồng một nhà báo rất vui tính, ông bà O.K. Armstrong, hai biên tập viên nòng cốt của tờ Reader's Digest tại Hoa Kỳ.

Kể từ niên khóa 1970-1971, Văn khoa Vạn Hạnh sẽ thiết lập văn bằng cao học, và hiện đang chuẩn bị cho sinh viên 3 phòng: phòng nghiên cứu và viết báo, phòng đánh máy, và phòng rửa phim tráng phim. Trong tương lai, 3 phòng này sẽ được trang bị đầy đủ dụng cụ cho sinh viên thực tập. Ngoài ra Viện còn trợ cấp cho sinh viên môn Báo chí một số tiền để tiếp tục ra tờ Tin Tức và Sinh Hoạt Vạn Hạnh.

PHÂN KHOA PHẬT HỌC

Hai phân khoa Văn học và Phật học là linh hồn của Đại học Vạn Hạnh.

- Phân khoa Phật học không theo mục đích cung cấp chuyên viên kỹ thuật cho một xã hội văn minh cơ khí mà tìm lại nguồn suối suy tư của Đông phương. Nguồn suối ấy qua suốt mấy nghìn năm vẫn còn lưu lộ khi ẩn khi hiện giữ cho con người Đông phương không đánh mất nhân tính của mình trong các tiện nghi vật chất. Sự xáo trộn thường trực của xã hội từ xưa đến nay vẫn là sự hoang mang của tâm thức con người trước những hệ thống tư tưởng phồn tạp, những chấp nhất và chống đối nhau đến cùng cực khiến cho con người không tìm thấy lẽ nhất quán của đời sống nơi mà mọi mâu thuẫn cực đoan được hóa giải bằng sự sống toàn vẹn của con người. Trong quá khứù, tư tưởng Phật học cũng không kém phần phồn tạp, bên ngoài có vẻ như chống đối nhau đến độ bất tương dung, từ lề lối suy tư đến phương pháp thực hành thực chứng. Nhưng tất cả đều mang một thông điệp nguyên thủy của Đức Phật, trước nguy cơ của con người sẽ đánh mất nhân tính của mình để trở thành con ốc trong một guồng máy vĩ đại của xã hội.

- Phân khoa Phật học không hoạt động hạn hẹp trong khung cảnh Việt Nam, mà sẽ nhắm vào chiều kích một Đại học Quốc tế. Trong các Đại học Phật Giáo thế giới, sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp Tiến sĩ Phật học phải thông hiểu một trong các cổ ngữ: Pali, Sanskrit, song song với Tạng ngữ hay Hán ngữ. Bởi vậy, sinh viên sẽ phải học cổ ngữ liên tiếp trong bốn năm của chương trình cử nhân để có một căn bản vững chắc sau đó mới có thể đi sâu vào tất cả các khía cạnh của cổ ngữ.

- Phật học không thể tách khỏi đời sống, và chính trong đời sống mọi mâu thuẫn mới được hóa giải. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành, luôn luôn có những nan giải. Bởi vậy trong bốn năm của chương trình cử nhân Phật học, sinh viên sẽ phải thực tập thiền định. Với thực tập này, sinh viên sẽ cảm nhận sâu xa chất sống trong những gì mình đang học. Và khi ra khỏi học đường, sinh viên sẽ luôn luôn trầm tĩnh trước mọi xao động của đời sống.

Đấy là mục đích mà phân khoa Phật học đang theo đuổi trong bốn năm cho chương trình cử nhân.

PHÂN KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI

Đây là một phân khoa chuyên nghiệp nhằm mục đích đào tạo cho sinh viên có kiến thức rộng rãi về xã hội, dù ở lãnh vực hoạt động công hay tư nào cũng có thể vừa thi hành nhiệm vụ chuyên môn, vừa có tầm nhìn tổng quát về tính chất, cơ cấu biến chuyển của xã hội, để công việc đạt được hiệu quả tối đa, nhất là trong công cuộc góp phần vào sự cải tiến xã hội Việt Nam.

Trong khuôn khổ mục đích trên, chương trình cử nhân 4 năm của phân khoa Khoa học Xã hội đã được soạn thảo sao cho sinh viên tốt nghiệp có thể ứng dụng kiến thức chuyên môn của mình vào các ngành như: Kinh tế, ngân hàng, thương mại, xí nghiệp lao động, hành chánh, ngoại giáo, báo chí... Hơn nữa, chương trình còn nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp cử nhân có đủ khả năng về kiến thức và phương pháp để chuẩn bị tiến lên cấp bậc cao học hay tiến sĩ tại ngoại quốc cũng như tại Viện Đại học Vạn Hạnh trong tương lai gần đây.

Hiện tại, chương trình cử nhân Khoa học Xã hội được chia làm hai bậc, mỗi bậc bao gồm hai năm học. Trong hai năm đầu, các sinh viên học chung với nhau 14 môn học thuộc phần kiến thức tổng quát của Khoa học Xã hội. Ở hai năm cuối, của sinh viên sẽ học riêng theo từng ban mà họ đã chọn lựa. Hiện có tất cả 5 ban: Kinh tế học, Chính trị học, Xã hội học, Nhân chủng học, và Thương mãi học.

Trong các năm học, ngoài phần lý thuyết, các sinh viên Khoa học Xã hội còn phải tích cực tham gia vào những buổi hội thảo - được coi như là một phần bắt buộc trong chương trình học. Đề tài hội thảo do giáo sư ấn định trước và phù hợp với các môn học. Một sinh viên sẽ phụ trách về phần thuyết trình về đề tài, và sau đó sinh viên sẽ cùng nhau thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo sư.

Ngoài ra, các sinh viên Khoa học Xã hội đã tổ chức những buổi thăm viếng các cơ quan, các xí nghiệp công lẫn tư để quan sát và thu thập các kiến thức chuyên môn có tính cách thực tế hơn để bổ túc cho việc học tập ở trường.

Do tính chất hấp dẫn vừa nói của ngành Khoa học Xã hội, phân khoa này đã thu hút được một số lượng sinh viên hết sức đông đảo so với các phân khoa khác của Viện Đại học Vạn Hạnh, nên được coi như là một thành phần nòng cốt của Viện, nhất là trong nổ lực phát triển không ngừng của Đại học Vạn Hạnh.

PHÂN KHOA GIÁO DỤC

Một phân khoa mới vừa được thành lập là phân khoa Giáo dục, lần đầu tiên được mở tại Việt Nam. Nhiệm vụ chính của phân khoa này là: huấn luyện và tu nghiệp giáo sư trung học, sưu tầm và khảo cứu về giáo dục, liên lạc thường xuyên với các trường trung học Bồ Đề toàn quốc để giúp các trường này về phương diện chuyên môn, và cuối cùng là phát huy phương pháp giáo dục Phật Giáo.

Niên khóa 1970-1971, phân khoa Giáo dục chỉ mở năm thứ nhất với năm ban, mỗi ban tối đa 70 người, gồm: Việt-Hán, Sử Địa, Công dân, Anh văn, và Toán. Thời gian để hoàn tất văn bằng cử nhân Giáo dục là 4 năm. Sinh viên sẽ phải qua một kỳ thi tuyển sau khi ghi danh vào phân khoa này, đến khi tốt nghiệp có thể được bổ làm giáo sư đệ nhị cấp tại các trường Bồ Đề và Công Lập, hoặc tiếp tục bậc cao học hoặc tiến sĩ Giáo dục.

Tính đến nay 31-10-70, số sinh viên ghi danh và đóng tiền vào phân khoa Giáo dục đã lên đến 700 người, một con số khá lớn. Do đó, Viện buộc lòng phải khóa sổ.

TRUNG TÂM NGÔN NGỮ

Trung tâm Ngôn ngữ thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh có nhiệm vụ đảm trách việc giảng dạy Sinh ngữ và cổ ngữ cho các sinh viên thuộc các phân khoa Văn học, phân khoa Phật học, và phân khoa Khoa học Xã hội. Nhằm phục vụ đại chúng, Trung tâm Ngôn ngữ cũng đã mở các lớp Sinh ngữ riêng biệt cho các công chức, quân nhân, và sinh viên thuộc các Viện Đại học khác.

Bắt đầu niên khóa 1968-1969, ngoài việc duy trì và cải tiến các lớp sinh ngữ dành cho các sinh viên các phân khoa và sinh viên ngoài Viện Đại học Vạn Hạnh, Trung tâm Ngôn ngữ còn đảm trách các giờ học Anh ngữ cho các sinh viên các ban cử nhân Văn học Anh Mỹ và ban Báo chí.

Mục tiêu chính của Trung tâm Ngôn ngữ là nhằm đào tạo cho sinh viên một kiến thức sinh ngữ rộng rãi và vững chắc để có thể học hỏi khoa học kỹ thuật và văn minh của các nước khác hầu góp phần xây dựng và cải tiến xã hội Việt Nam. Việc giảng dạy những sinh ngữ thông dụng trên thế giới tại Trung tâm Ngôn ngữ cũng nhằm mục đích thực tiễn là giúp sinh viên thông thạo ngoại ngữ để liên lạc ngoại giao và để tiến tới dịch thuật các tác phẩm giá trị.

Trong giai đoạn hiện tại, Trung tâm Ngôn ngữ có các ban: Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ, và Nhật ngữ. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp một trong những chứng chỉ Anh Pháp Đức Nhật tùy theo ngôn ngữ đã học. Trong tương lai, Trung tâm Ngôn ngữ sẽ mở thêm các tiếng: Ý, Tây ban nha, Thái lan, vân vân... nếu hội đủ điều kiện sĩ số sinh viên.
Thành phần giáo sư cộng tác với Viện Đại học Vạn Hạnh trong công việc giảng huấn ở các phân khoa vừa giới thiệu trên cũng là thành phần những giáo sư có tên tuổi lớn ở các đại học công cũng như tư, như Sàigòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt.

Hơn nữa, Viện Đại học Vạn Hạnh còn được các giáo sư ngoại quốc do cảm tình sâu đậm đến để phụ trách công việc giảng huấn.

Sinh viên Vạn Hạnh trong niên khóa 68-69 chắc chắn không thể nào quên được hình ảnh một nữ giáo sư người Hoa Kỳ, cô Duvali, luôn luôn duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam, đã làm cho các lớp học Anh ngữ trở nên thân mật và gần gũi hơn.

Mối dây liên lạc giữa giáo sư và sinh viên tại Vạn Hạnh cũng có một sắc thái đặc biệt. Ở đây, ngoài những giờ học, giáo sư cùng một nhóm sinh viên có thể gặp nhau tại hành lang hay câu lạc bộ để trò chuyện thân mật. Những ngăn cách do lễ nghi phiền toái giữa thầy và trò đã được tạm thời xóa mờ đi trong những giây phút này.

THƯ VIỆN - PHÒNG THAM KHẢO - PHÒNG ĐỌC SÁCH

Nói đến Viện Đại học Vạn Hạnh mà bỏ qua Thư viện và Phòng đọc sách là một thiếu sót lớn. Đây là một trong những nét duyên dáng của Viện mà sinh viên nào cũng lấy làm hãnh diện khi đề cập tới.

Tọa lạc trên lầu ba của tòa nhà lớn,  Thư viện Vạn Hạnh được xem như một trong những Thư viện tối tân. Công trình trên do cơ quan Viện trợ Văn hóa Á châu trang bị, cũng như được sự giúp đỡ thường xuyên của các cơ quan ngoại quốc khác. Tổng số sách hiện có lên đến 25.900 cuốn, được chia làm hai loại: Phật học và Thế học. Thư viện Vạn Hạnh cũng lưu trữ được một số sách quý của Việt Nam như bộ Việt Nam Phật Điển Lý Trần, các bộ Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân.

Ngoài ra, trong phạm vi Thư viện, còn có một phòng tham khảo với rất nhiều bộ Bách khoa, Tự điển quan trọng của nhà Phật. Đó là chương trình đi đến một tủ sách Phật Giáo Việt Nam sẽ được thiết lập một ngày gần đây. Bắt đầu từ niên khóa này, Thư viện sẽ được trang bị máy lạnh cho các kho sách cũng như các phòng còn lại.

Phần lớn tầng dưới của Thư viện là phòng học với 230 chỗ ngồi, đây cũng là nơi các sinh viên miệt mài “sôi kinh nấu sử” chờ ngày ứng thí.

Bàn học ở Thư viện Vạn Hạnh đặc biệt hơn các Thư viện khác là được ngăn ra làm đôi theo chiều dọc bằng những tấm gỗ mỏng cao, quá đầu người, rồi được chia làm ba ô nhỏ. Mỗi sinh viên chỉ được quyền sử dụng trọn một ô, do đó họ không thể “làm phiền hàng xóm” và nhất là người đối diện. Nhờ vậy sự sao lãng cũng như đùa cợt trong Thư viện đã được giảm thiểu đến mức tối đa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không khí Thư viện quá khô khan, bằng cớ là có nhiều mối tình nảy nở trong khung cảnh trang nghiêm này. Sự có mặt của những cặp sinh viên nói trên như điểm thêm chút gì sinh động và tươi trẻ cho phòng học, đến nỗi thiếu họ Thư viện tẻ lạnh đi.

Thật vậy, không gì làm cho người ta có thể gần nhau bằng sự có mặt thường xuyên trong Thư viện. Có thể nói là hầu như suốt ngày, vì Thư viện Vạn Hạnh vào mùa thi mãi đến 9 giờ mới đóng cửa. Có nhiều cặp cứ đến chiều là rủ nhau sang chợ Trương Minh Giảng ăn uống qua loa rồi lại tay trong tay trở về Thư viện tiếp tục vùi đầu vào những tập “cua” dầy... Buổi tối, số sinh viên có mặt độ vài mươi người. Thư viện ở tít trên cao, lại có gió mát, nên việc học đêm cũng khá thoải mái, chỉ phiền một nỗi là hơi... nhiều muỗi!

Dẫu ít người, Thư viện Vạn Hạnh về đêm cũng không bớt phần linh động, đó là nhờ sự có mặt của “Ông cụ”. “Ông cụ” đây là Thượng tọa Viện trưởng, với nụ cười như Phật Di Lặc, trong lớp áo cà sa, thường đứng tựa vào quày sách nhìn “mấy đứa nhỏ” với cặp mắt bao dung. Có khi Thượng tọa mang sang cho bọn học đêm một hộp kẹo, có khi Thượng tọa đi “kinh lý” qua các bàn học, bắt chuyện với sinh viên. Bao giờ cũng vậy, Thượng tọa mở đầu và chấm dứt lời hỏi thăm bằng một nụ cười.

Đối diện với Thư viện là một căn phòng nhỏ, trình bày rất trẻ trung: Phòng đọc sách dành cho sinh viên năm thứ hai trở lên, với chừng 26 chỗ ngồi. Căn phòng nhỏ này là một sáng kiến độc đáo của Viện mới được mở ra năm trước, nhằm giúp cho sinh viên đọc sách một cách trực tiếp không phải qua một thủ tục nào. Sinh viên tự mình tìm sách, đọc sách xong cứ để trên bàn sẽ có nhân viên thu dọn sau. Tại đây, nam sinh viên có thể hút thuốc tùy thích mà không sợ bị ngăn cấm như ở Thư viện, và nữ sinh viên được quyền trò chuyện với nhau, miễn là không đủ to để làm rộn người khác.

“Tiết mục” hấp dẫn hơn cả là Phòng đọc sách được thường xuyên để nhạc. Toàn là nhạc cổ điển Tây phương với những tấu khúc bất hủ của Chopin, Schubert, vân vân... nhằm tạo cho sinh viên một cảm giác thoải mái, lâng lâng, sau giờ bắt trí óc căng thẳng vì bài học. Ngoài ra, Phòng đọc sách còn có một lối trang trí rất thanh nhã, với những bức tranh trên tường, những chậu hoa nhỏ cắm theo kiểu Nhật bày trên bàn trông thật mát mắt. Đây cũng là nơi triển lãm tranh, như mộc bản. Phần trong cùng của Phòng đọc sách được dùng làm phòng vi phim.

SINH HOẠT SINH VIÊN

Sinh hoạt sinh viên tại Viện Đại học Vạn Hạnh là một trong những nét đặc thù của Viện, biểu hiệu cho sự trẻ trung và sống động của tuổi trẻ. Sinh hoạt của Vạn Hạnh có nhiều sắc thái tốt đẹp được như vậy, một phần nhờ vào mối liên lạc giữa các sinh viên không quá lỏng lẻo như ở các Đại học khác. Phần khác, giới chức lãnh đạo của Viện Đại học Vạn Hạnh đã quan niệm rằng sinh hoạt của sinh viên như là một phần trong công cuộc giảng huấn của trường, cho nên đã khuyến khích và hỗ trợ cho mọi hoạt động của sinh viên trong khuôn khổ và đường lối giáo dục mà Viện đang chủ xướng.

Để cụ thể hóa quan niệm đó, Viện Đại học Vạn Hạnh đã cho thành lập Nha Sinh viên vụ đặc trách về mọi vấn đề sinh hoạt của sinh viên trên các lãnh vực: thể thao, du ngoạn, văn nghệ, công tác xã hội, vân vân... Hơn nữa, chính các sinh viên Vạn Hạnh cũng đã ý thức được vai trò quan trọng của những buổi sinh hoạt đó như là một yếu tố then chốt để thắt chặt mối liên lạc giữa sinh viên với nhau, cũng như giữa sinh viên với Viện, nên đã đứng ra tổ chức lấy các buổi sinh hoạt theo sáng kiến của mình.

Cũng như sinh hoạt của bất cứ tập thể xã hội nào, sinh hoạt sinh viên Vạn Hạnh cũng bao gồm nhiều sắc thái và khuynh hướng tạp bác. Ngoài những hoạt động thường thấy nhất như thể thao, văn nghệ, công tác xã hội, du ngoạn, Vạn Hạnh còn có những sinh hoạt đặc biệt khác như chiếu phim (khoa học, nghệ thuật, hay du lịch), thuyết trình do diễn giả tên tuổi, triển lãm tranh ảnh, sách báo, mở các lớp hội họa, cắm hoa miễn phí. Ngoài ra còn có các lớp hướng dẫn tọa thiền do các thiền sư phụ trách, vân vân...

Tuy nhiên, những hoạt động sôi nổi nhất vẫn là các hoạt động về thể thao và văn nghệ. Viện Đại học Vạn Hạnh là một trong số rất ít trường Đại học Việt Nam dành cho sinh viên một mảnh đất nho nhỏ làm sân chơi bóng rổ, bóng chuyền, vũ cầu, vân vân... Sân chơi bóng này đã được thực hiện do sự đóng góp chung của sinh viên và của Viện Đại học Vạn Hạnh.

Trước ngày bị biến thành một thứ kho lộ thiên để chứa các vật kiến trúc cho cơ sở mới (gồm Trung tâm Sinh hoạt và phân khoa Giáo dục) hiện vẫn chưa hoàn thành, sân chơi bóng này là nơi gặp mặt thường xuyên của các sinh viên hâm mộ thể thao, từ sáng sớm cho đến chiều tối không ngớt tập dượt chuẩn bị cho những cuộc tranh tài thân hữu giữa sinh viên Vạn Hạnh với sinh viên các Đại học bạn, hay đội cầu của các binh chủng như Hải quân, Không quân, Biệt động quân.

Để tổ chức được hoàn hảo hơn, các sinh viên Vạn Hạnh cũng đã bầu ra một Ủy hội Thể thao, và Ủy hội này đã phối hợp với Viện để tổ chức các buổi tranh giải sôi nổi trong các dịp lễ như Tổng khai giảng, Phật Đản, vân vân...

Bên cạnh những môn chơi có tính cách toàn đội như vừa nói, sinh viên Vạn Hạnh còn chịu khó tập dượt nhiều môn chơi khác như bóng bàn, bơi lội... Hiện nay, bộ môn bóng bàn đã được tay vợt Mai Văn Hòa nhận làm huấn luyện viên để hướng dẫn các sinh viên.

Vào cuối năm nay, khi cơ sở mới xây cất xong, sân chơi bóng sẽ được giải tỏa, đồng thời Trung tâm Sinh hoạt Sinh viên ở tầng trệt của cơ sở mới được khánh thành: Sinh viên Vạn Hạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn để chơi các môn thể thao. Trung tâm Sinh hoạt vừa nói sẽ dành cho sinh viên các phòng tập nhu đạo, bóng bàn, và nhiều ngành khác với các tiện nghi được nhà trường trang bị.

Về du ngoạn, trong các dịp lễ hay dịp hè, sinh viên Vạn Hạnh vẫn thường tổ chức các cuộc đi chơi xa như Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Lạt. Song song với các buổi du ngoạn, sinh viên Vạn Hạnh cũng tổ chức các trại công tác xã hội nhằm giúp đỡ một phần nhỏ nhoi cho đồng bào.

Sinh hoạt văn nghệ của Vạn Hạnh cũng có nhiều cơ hội để chứng minh khả năng của sinh viên Vạn Hạnh. Ngoài đoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh do Viện chính thức thành lập và bảo trợ, người ta còn thấy những buổi trình diễn văn nghệ do các sinh viên phụ trách. Ngoài ra, các Ban Đại diện Sinh viên cũng đã tổ chức nhiều buổi văn nghệ do các nghệ sĩ danh tiếng bên ngoài như Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng... trình diễn.

Văn nghệ tất niên là một dịp thi đua hứa hẹn nhiều sôi nổi giữa các phân khoa của Vạn Hạnh. Phân khoa nào cũng đều cố gắng đưa ra nhiều sáng kiến để giúp cho buổi trình diễn có tính cách tiêu biểu của phân khoa mình. Chẳng hạn như Phật khoa phải có tính cách thâm trầm siêu thoát như hương vị thiền; Văn khoa phải có những màn ca nhạc đầy màu sắc dân tộc; Khoa học Xã hội với những màn kích động nhộn nhịp; và Trung tâm Ngôn ngữ với màu sắc quốc tế. Văn nghệ tất niên tại Viện Đại học Vạn Hạnh thường là một dịp để sinh viên dễ tìm hiểu, gần gũi nhau hơn.

Bên cạnh những hoạt động có tích cách thu hút và sôi động như những hoạt động vừa trình bày trên, Đại học Vạn Hạnh cũng có những sinh hoạt khác tuy âm thầm hơn, nhưng không kém phần hấp dẫn và bổ ích. Thư viện Vạn Hạnh trong niên học vẫn thường mượn phim của Trung tâm Văn hóa Pháp, Hoa Kỳ về chiếu cho sinh viên xem. Những phim này thuộc nhiều loại khác nhau, như thể thao, văn nghệ, khoa học, nghệ thuật, và kỹ thuật. Ngoài ra, Thư viện Vạn Hạnh cũng tổ chức các cuộc triển lãm tranh hội họa, nhiếp ảnh, và sách báo cổ văn.

Những buổi thuyết trình do các diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước cũng được tổ chức thường xuyên để giúp cho sinh viên theo kịp những biến chuyển của tư tưởng, văn học, nghệ thuật thế giới một cách trực tiếp hơn. Những buổi diễn thuyết này khiến cho sinh viên có thể lãnh hội được những lý thuyết đã học được một cách dễ dàng và lý thú hơn.

Sau cùng, những lớp hội họa miễn phí và những lớp tọa thiền cũng đã thu hút được sinh viên hâm mộ, và kết quả của công tác này cũng hết sức khả quan.

Với hai loại sinh hoạt, một sôi nổi, một âm thầm, sinh viên Vạn Hạnh đã chứng tỏ được sinh lực cũng như thiện chí của tuổi trẻm một yếu tố tối cần cho việc kiến thiết quốc gia sau chiến tranh.

NHỮNG DỰ PHÓNG TRONG TƯƠNG LAI VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG HIỆN TẠI

Trong khuôn khổ đường lối giáo dục đã đề xướng, Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ tiếp tục sứ mạng giáo dục của mình. Ngoài những ngành học đã mở, Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ còn phát triển thêm về các ngành học khác, đặc biệt về kỹ thuật, khoa học, và y khoa.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, Viện Đại học Vạn Hạnh đã có nhiều khó khăn riêng, ngoài những khó khăn chung của nền Đại học Việt Nam như vấn đề thiếu giáo sư đại học, thiếu các phương tiện về kỹ thuật, vân vân...

Với một niềm tin sắt đá, Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ cố gắng khắc phục được những khó khăn đó ngỏ hầu hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của mình, như Thượng tọa Viện trưởng nhiều lần nhắc nhở trong những bài diễn văn đọc trong các lễ khai giảng và nhất là những cuốn sách được coi như là căn bản của đường hướng giáo dục Vạn Hạnh, cuốn Trước Sự Nô Lệ Của Con Người. Viện Đại học Vạn Hạnh đang trên đà phát triển, và sẽ nỗ lực phát triển hơn nữa.

Thursday, July 17, 2014

Viện Đại Học Vạn Hạnh

Viện Đại  Học Vạn Hạnh
Saigon, Việt Nam
1964-1975 (1)
 
  Tiến Trình Thành Lập Và Phát Triển
 
Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập năm 1964, là một cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và là hậu thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, được hợp thức hoá bằng Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ ngày 17 tháng 10 năm 1964 của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, và do Quyết Định số 156-VT/QĐ ngày 13 tháng 11 năm 1964 của Viện Hóa Đạo, cử T.T. Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, trụ sở tạm đặt tại Chùa Pháp Hội và Chuà Xá Lợi ở Saigon.
 
Trong niên khóa đầu tiên 1964-1965, Viện chỉ mới mở hai Phân Khoa: Phân Khoa Phật Học và Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn với sĩ số 696 sinh viên.
 
Năm 1966 Viện mới xây cất xong cơ sở riêng, địa chỉ số 222 Trương Minh Giảng, Saigon. Tòa nhà chính với bốn tầng lầu là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các Nha sở, Thư viện, Câu lạc bộ, v.v.. và các giảng đường, phòng học của sinh viên.
 
Niên khóa 1966-67, Viện mở thêm Trung Tâm Ngôn Ngữ với Quyết Định số 108/ĐHVH/QĐ ngày 14 tháng 8 năm 1968, nâng sĩ số sinh viên Vạn Hạnh thờI đó lên tới 802 sinh viên.
 
Niên khoá 1967-68, Viện thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, do Nghị Định số 1931--GD/QCNV/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục, sĩ số ghi danh học năm đầu tiên của Phân Khoa này đã lên đến 1.190 sinh viên trong tổng số sinh viên toàn Viện là 1.938.
 
Kỳ cấp phát văn bằng đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 1969 đã cấp phát văn bằng Cử Nhân Phật Khoa cho 21 sinh viên đậu từ năm 1966 đến 1968, và văn bằng Cử Nhân Văn Học và Khoa Học Nhân Văn cho 23 sinh viên đậu từ năm 1967 đến 1968.
 
Vì nhu cầu sinh viên gia tăng, năm 1970 Viện phải xây thêm Toà nhà B, làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục được mở đầu niên khóa 1970-71, do Nghị Định số 1610/GD/KHPC/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục. Đây là Phân khoa thi tuyển nhập học đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh với sĩ số trúng tuyển nhập học là 280 sinh viên cho tất cả các Ban, đã nâng sĩ số sinh viên toàn Viện lên đến 3.685 sinh viên.
 
Trong niên khoá 1971-72, do nhu cầu quốc phòng, một số sinh viên phải lên đường nhập ngũ, sĩ số của bốn Phân Khoa và Trung Tâm Ngôn Ngữ vẫn có đến 3.404 sinh viên.
 
Lễ cấp phát văn bằng lần thứ hai được tổ chức ngày 01 tháng 02 năm 1972. Viện đã cấp phát 225 văn bằng Cử Nhân cho ba Phân Khoa, gồm có:
 
-          16 văn bằng Cử Nhân Phật Học, đậu từ năm 1969 đến năm 1971.
-          52 văn bằng Cử Nhân Văn Học, đậu từ năm 1969 đến 1971; đặc biệt có:
+ 22 Cử Nhân Báo Chí, học khoá đầu tiên
            + 30 Cử Nhân các ban khác.
 
-          157 văn bằng Cử Nhân Khoa Học Xã Hội, gồm có:
+ 41 Cử Nhân Kinh Tế Học
+ 79 Cử Nhân Thương Mại Học
            + 14 Cử Nhân Chính Trị Học
            +  23 Cử Nhân Xã Hội Học.
 
Với Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, đây là lần cấp phát văn bằng đầu tiên, những sinh viên tốt nghiệp khoá này, ngoài một số phải nhập ngũ, số còn lại khoảng 90 vị hiện đã phục vụ trong các cơ quan công, tư thuộc các lãnh vực, hoặc đang tiếp tục học; với ước tính sơ lược như sau:
 
-          Ngân hàng: có 31 vị giữ chức vụ từ Giám Đốc, Phó Giám Đốc các chi nhánh đến Chuyên Viên.
-          Công chức có 40 vị, giữ các chức vụ từ Thanh Tra các Bộ, Truởng Ty hoặc các chức vụ điều khiển khác, đến Chuyên Viên.
-          Giáo chức có 5 vị
-          Xí nghiệp có 4 vị
-          Du học có 2 vị
-          Sinh viên Quốc Gia hành Chánh có 2 vị
-          Số còn lại làm các nghề tự do khác.
 
Cùng với đà tiến triển, năm 1972 Viện xây cất thêm Toà nhà C mới đủ cho nhu cầu  sinh viên gia tăng. Tổng số sinh viên của niên khoá 1972-73 không kể số học viên của Trung Tâm Ngôn Ngữ đã lên tới 3.661, và cũng trong niên khoá này, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội đã trở thành Phân Khoa thi tuyển nhập học.
 
Cho tới niên khoá 1972-73, Viện Đại Học Vạn Hạnh có 4 Phân Khoa: hai Phân Khoa đòi hỏi sinh viên phải qua một kỳ thi tuyền nhập học năm thứ nhất là Phân Khoa Giáo Dục và Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, hai Phân Khoa còn lại là Phân Khoa Phật Học, Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, và một Trung Tâm Ngôn Ngữ. Niên khóa 1973-1974 Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, trụ sở đạt tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.
 
Như vậy cơ sở 1 của Viện Đại Học Vạn Hạnh bao gồm các toà nhà tọa lạc tại 222 Truơng Minh Giảng, Saigon và cơ sở 2 tọa lạc taị đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận với sự thành lập Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng vào năm 1974.
 
Cơ sở chính gồm có các Văn Phòng Viện Trưởng, Văn phòng 4 Phân Khoa, Trung Tâm Ngôn Ngữ, Thư Viện, Nha Học Vụ, Nha Sinh Viên Vụ, Văn Phòng Giao Tế, Văn Phòng Phát Triển, Trung Tâm An Sinh và Phát Triển Xã Hội, v.v.. các giảng đường và lớp học, Câu Lạc Bộ, Trung Tâm Sinh Hoạt Sinh Viên cộng thêm dãy nhà trệt dành cho cơ sở Ấn Quán vạn Hạnh. Cơ sở thứ hai bao gồm văn phòng Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng và các phòng học của sinh viên.
 
Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning) và Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association) và là Hội viên Sáng Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
 
Mục Tiêu Và Đường Hướng Giáo Dục
 
Năm 1964, khi mới thành lập, Viện Đại học Vạn Hạnh đã im lặng và khiêm tốn tự đảm nhận trách nhiệm thực hiện ba mục tiêu và ba đường hướng giáo dục chính yếu của mình.
 
Mục tiêu thứ nhất là thực hiện tinh thần xây dựng của một nhà Giáo dục, giữa những sụp đổ cá nhân, gia đình, xã hộI luôn luôn xẩy ra chung quanh. Trong bối cảnh của những cuộc chiến triền miên, trong khung cảnh của những rối loạn thường xuyên, con nguời có thể có những thái độ yếm thế buông xuôi, khoanh tay chờ đợi, thản nhiên thụ hưởng, ngồi suông chỉ trích hay phá hoại bạo động. Viện Đại Học Vạn Hạnh muốn nói lên tiếng nói của nhà Giáo dục, không chấp nhận tiếng nói của những kẻ tiêu cực đầu hàng bạo động phá hoại, vì nhà Giáo dục là những người có tin tưởng, tin tưởng ở khả năng giáo dục có thể cải thiện con người, tin tưởng ở sức phục hồi thần diệu của con người Việt Nam và quốc gia Việt Nam.
 
Mục tiêu thứ hai là làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ, trong khi chính tuổi trẻ là nạn nhân đau đớn nhất của cuộc chiến hiện tại. Viện Đại Học Vạn Hạnh luôn luôn cố gắng đem lại lòng tin cho tuổi trẻ, giúp đỡ tuổi trẻ giữ vững sự hăng say, lạc quan, cầu tiến của những tâm hồn còn giữ được sự trong trắng của tuổi xuân xanh. Chúng tôi chỉ muốn sinh viên đến với chúng tôi, với những bộ mặt tươi sáng của những tâm hồn trong sạch, với những ánh mắt tin tưởng của những bầu nhiệt huyết muốn xây dựng tương lai. Chúng tôi muốn các anh chị em sinh viên Vạn Hạnh luôn luôn là những Người, là những sức mạnh, là những khả năng sống động tình nhân loại, tình ngườI Việt Nam, tình người Vạn Hạnh.
 
Không những Viện Đại Học Vạn Hạnh nuôi dưỡng lòng tin tưởng cho tuổi trẻ, chúng tôi còn cố gắng làm cho sinh viên ý thức rõ rệt trách nhiệm của mình là xây dựng tương lai cho đất nước sau này. Và muốn xây dựng tương lai đất nuớc, ngay từ bây giờ sinh viên phải tự tạo cho mình, những kiến thức căn bản, những khả năng chuyên môn và tác phong đạo đức cần thiết. Cho nên mục tiêu thứ ba là tạo ra một môi trường thật sự đại học, giới thiệu những đường hướng giáo dục căn bản để trang bị cho sinh viên những tư tưởng, kiến thức, khả năng và tác phong cần thiết để sinh viên chuẩn bị tiến bước vào đời.
 
đường hướng giáo dục chúng tôi theo đuổi phụng sự ở Đại Học Vạn Hạnh này là một đường hướng giáo dục toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh Đức, Tâm Đức Tuệ Đức con người. Chúng tôi tin rằng con người chỉ được phát triển tốt đẹp, nếu cả năm mặt thể chất, tình cảm, tâm tư, tri thức, trí tuệ con người được phát triển điều hòa tốt đẹp, tạo cho sinh viên một sự thăng bằng toàn diện của một con người toàn diện. Chúng tôi không muốn đào tạo những chuyên viên bán chữ, bán sách, bán nghề mà phải vừa là Giáo sư, vừa là nhà Giáo dục, trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của chữ Giáo dục.
 
đường hướng giáo dục của Viện Đại Học Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục dân tộc, phát huy quốc học, giúp anh chị em sinh viên tìm hiểu cái hay cái đẹp của văn hóa
 
đường hướng giáo dục chúng tôi theo đuổi phụng sự ở Đại Học Vạn Hạnh này là một đường hướng giáo dục toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh Đức, Tâm Đức Tuệ Đức con người. Chúng tôi tin rằng con người chỉ được phát triển tốt đẹp, nếu cả năm mặt thể chất, tình cảm, tâm tư, tri thức, trí tuệ con người được phát triển điều hòa tốt đẹp, tạo cho sinh viên một sự thăng bằng toàn diện của một con người toàn diện. Chúng tôi không muốn đào tạo những chuyên viên bán chữ, bán sách, bán nghề mà phải vừa là Giáo sư, vừa là nhà Giáo dục, trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của chữ Giáo dục.
 
đường hướng giáo dục của Viện Đại Học Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục dân tộc, phát huy quốc học, giúp anh chị em sinh viên tìm hiểu cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam, giúp anh chị em sinh viên tự mình hãnh diện làm con người Việt Nam và giúp anh chị em sinh viên thực sự đoàn kết để xây dựng quốc gia Việt Nam sau này.
 
đường hướng  Giáo dục của Viện Đại Học Vạn Hạnh là một đường hướng Giáo dục Nhân tính, đào tạo những người Việt Nam còn giữ được tình người Việt Nam, những con ngườI Vạn Hạnh còn giữ được tình người Vạn Hạnh. Gìn giữ và xây dựng tình nhân loại, để đừng làm gì suy giảm giá trị con người, bất cứ ở đâu và tại chỗ nào. Gìn giữ và xây dựng tình người Việt Nam để người Việt Nam chúng ta ngồi lại với nhau, xây dựng lại xã hội và quốc gia Việt Nam. Gìn giữ và xây dựng tình nguời Vạn Hạnh để cùng nhau duy trì và phát triển cơ sở giáo dục này cho thế hệ sinh viên hiện tại và tương lai.
 
Để nêu rõ và thực hiện ba mục tiêu và ba đường hướng giáo dục vừa trình bày ở trên, Viện Đại Học Vạn Hạnh lựa chọn châm ngôn "Duy Tuệ Thị Nghiệp", nghĩa là tất cả mọi sự hoạt động (Nghiệp) tại Viện Đại Học Vạn Hạnh này là nhằm đến xây dựng kiến thức và trí tuệ cho sinh viên.
 
(1) Trích trong Chỉ Nam 1973-1974 Phân Khoa Khoa Học Xã Hội,Viện Đại Học Vạn Hạnh: 222 Trương Minh Giảng, Quận 3, Saigon.