Sunday, July 28, 2019

Ấm tình thầy trò Đại Học Vạn Hạnh sau 55 năm


Văn Lan/Người Việt


July 22, 2019

Các giáo sư và cựu sinh viên Khoa Học Xã Hội Khóa 3 gặp lại nhau sau nửa thế kỷ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy, 2019, tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster, đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, và 50 năm thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội khóa 3.
Buổi hội ngộ trong không khí ấm tình thầy trò và đồng môn, sau nửa thế kỷ gặp lại, tay bắt mặt mừng giữa những mái đầu đã phai màu thời gian.
Gần 1,000 hình ảnh trắng đen của Viện Đại Học Vạn Hạnh, những tài liệu quý giá cất giữ đã nửa thế kỷ, được trưng bày gồm những hình trắng đen thật sống động, từ cắt băng khánh thành ngày đầu thành lập, những lớp học tại giảng đường, lễ tốt nghiệp, đội mũ áo ra trường của các khóa, những sinh hoạt thế giới, kể cả những sinh hoạt văn nghệ xã hội, thể dục của sinh viên. Ngoài ra còn có triển lãm ảnh nghệ thật của cựu sinh viên ban báo chí.
Các giáo sư hiện diện gồm Giáo Sư Phạm Vân Bằng và phu quân, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho; Giáo Sư Lê Đình Phước; Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương; và các cựu sinh viên đồng môn từ Việt Nam, Úc, San Jose, Texas, New York, Washington State, Bắc California tham dự.
Tìm lại kỷ niệm 55 năm xưa qua hàng ngàn bức ảnh quý hiếm của Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Hình:Văn Lan/Người Việt)
Ban tổ chức cũng rất tiếc khi thông báo vì lý do bất ngờ không đến dự được gồm các Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, Giáo Sư Phạm Cao Dương, và Giáo Sư Hà Dương Dực.
Một poster thật lớn mang 2 dòng chữ “55 Năm Vạn Hạnh 1964-2019” và “50 Năm Thành Lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội Khóa 3” được mọi người yêu thích, cùng nhau chụp ảnh lưu niệm trước giờ khai mạc.
Ông Phan Hồng Long, đương kim hội trưởng Hội Ái Hữu Vạn Hạnh Hải Ngoại phát biểu: “Hôm nay là một duyên hội ngộ, chúng ta làm lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, 50 thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội 3, cũng là ngày đồng môn chúng ta từ khắp nơi về đây hội ngộ nơi miền đất Nam California nắng ấm tình nồng của những người đã từng ngồi chung dưới một mái trường, ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa thân ái.”
Ông hội trưởng Phan Hồng Long (thứ nhất, phải) vinh danh ban tổ chức đại hội kỷ niệm 55 năm Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Xin cảm ơn ban tổ chức buổi hội ngộ hôm nay, đã gấp rút thực hiện được gây dựng thật xuất sắc cho buổi hội ngộ này, gồm anh Lê Văn Thạnh, Nguyễn Trọng Hội, Trần Bình Chánh, Bùi Quốc Cường, Xin chân thành cảm ơn ban to chức Hội Ái Hữu Vạn Hạnh Hải Ngoại, cảm tạ quý thầy cô và các anh chị em đồng môn, kính chúc sức khỏe và mong rằng sẽ gặp nhau trong nhiều năm nữa.”
Ông hội trưởng cũng thay mặt hội, đọc bức thư của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, cựu phó viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, và phu nhân, từ Việt Nam gởi lời hỏi thăm và chúc mừng đại hội.
Phát biểu về kỷ niệm qua 55 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, ông Lê Văn Thạnh cho biết Viện Đại Học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục đầu tiên tại Sài Gòn, được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa cấp phép thành lập ngày 17 Tháng Mười năm 1964, do Thượng Tọa Thích Minh Châu làm viện trưởng, và Thượng Tọa Thích Mãn Giác làm phó viện trưởng.
Với phương châm “Duy Tuệ Thị Nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp), Viện Đại Học Vạn Hạnh mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam, là quốc sư đời vua Lý Công Uẩn. Từ 1964 đến 1966, Viện Đại Học Vạn Hạnh chỉ có 2 phân khoa Phật Học và Khoa Học Nhân Văn. Tất cả sinh viên học tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, bởi thế thời đó thường gọi Đại Học Vạn Hạnh là “trường chùa.”
Đến 1966, sau khi hoàn tất xây dựng, tất cả sinh viên đều trở về trường số 222 đường Trương Minh Giảng, quận 3. Sau đó thêm Trung Tâm Ngôn Ngữ, và năm 1967 là cột mốc quan trọng, khi trường mở thêm phân khoa Khoa Học Xã Hội, trong đó có những ngành học mà sau khi ra trường, với văn bằng cử nhân kinh tế, thương mại, xã hội, chính trị, và nhân chủng học, sinh viên có thể dễ dàng được thu nhận trong xã hội, phần lớn là các ngân hàng, giữ nhiệm vụ giám đốc, phó giám đốc, hoặc kiểm soát viên.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp từ Seattle xúc động nhận chứng chỉ tốt nghiệp Báo Chí tại Đại Học Vạn Hạnh cấp từ 50 năm trước từ Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Hai phân khoa là Phân Khoa Giáo Dục, và Khoa Học Ứng Dụng sau đó tiếp tục được mở thêm. Năm đầu chỉ có 396 sinh viên nhưng đến năm 1973 số sinh viên đã lên tới 3,661 người, Khoa Học Xã Hội có sinh viên đông nhất.
Giáo Sư Phạm Văn Phước là một trường hợp đặc biệt. Ông về nước năm 1973 sau 10 năm du học tại Mỹ, và làm việc tại Đại Học Vạn Hạnh. Ông nói: “Tôi vẫn luôn ghi nhớ tình Vạn Hạnh, nơi đây đã để lại dấu ấn thật đẹp cho tới ngày hôm nay khi gặp nhau nơi này.”
Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương, từng là phụ tá khoa trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, phụ tá Thư Viện Trưởng Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh. Bà nhắc lại câu nói nổi tiếng thời đó: “Đại Học Vạn Hạnh là trường chùa nhưng bằng cấp Vạn Hạnh không chùa” để nói rằng sinh viên muốn ra trường phải học hành thật nghiêm túc và phải đầy đủ các chứng chỉ hoàn tất mới được cấp bằng cử nhân.
Ban tổ chức cũng truy tầm được một số những chứng chỉ hoàn tất của nhiều sinh viên chưa kịp phát, sau 1975 còn lưu giữ tại tàng thư của Thư Viện Viện Đại Học Vạn Hạnh, hôm nay được mang theo và trao tận tay cho các chủ nhân, những sinh viên đã miệt mài học tập năm xưa. Họ là những sinh viên vì thất lạc, hoặc không liên lạc được với trường, hoặc nhiều lý do khác.
Một nghi thức trang nghiêm và cảm động, khi Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương trao Chứng Chỉ năm thứ 2 Ban Báo Chí cho ông Nguyễn Tấn Nghiệp, từ Seattle sang nhận lãnh.
Nhận chứng chỉ tốt nghiệp đã nhuốm màu thời gian của mình sau nửa thế kỷ, ông Nghiệp xúc động nói: “Đây là giây phút tuyệt vời nhất của tôi sau năm 1975, dù không còn tiếp tục học tại mái trường thân yêu nữa, nhưng những giấy tờ bằng cấp của sinh viên còn giữ được tại tàng thư của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sang Mỹ dù nhận được nhiều bằng cấp, nhưng tờ chứng chỉ này là món quà trân quý nhất trong đời sinh viên của tôi.”
Bà Như Hảo, giám đốc Đài Mẹ Việt Nam, kể: “Tôi học Ban Báo Chí, Khoa Học Nhân Văn, thời ấy vừa đi học ban đêm vừa lo cho 4 con nhỏ, cực khổ trăm bề nhưng vẫn cố gắng lo học, chẳng may sau 1975 nghỉ học nữa đường, nhưng tôi vẫn luôn biết ơn những kiến thức thầy cô đã truyền dạy dưới mái trường Vạn Hạnh, nhất là Giáo Sư Huỳnh Văn Tòng dạy môn Truyền Thông Đại Chúng. Xin cảm ơn các bạn đồng môn hết lòng giúp đỡ cho những bài học ngày ấy, vẫn được áp dụng được trong nghề truyền thông tại hải ngoại cho tới ngày hôm nay!”
Bức hình hiếm có sau 55 năm giữa các giáo sư và cựu sinh viên Viện Đại Học Vạn Hạnh trong ngày vui hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, niên trưởng đại diện 20 cựu sinh viên Khóa 3 Khoa Học Xã Hội hiện diện, thời trước là tổng thanh tra Bộ Phát Triển Sắc Tộc, cho biết thêm nét độc đáo của Khoa Học Xã Hội thời ấy là khoa đông sinh viên theo học nhất trường, và cựu sinh viên với tình đồng môn thắm thiết, luôn giúp đỡ bạn bè.
“Cựu sinh viên Viện Đại Học Vạn Hạnh sau 1975, dù kẻ còn người mất, lưu lạc tha phương, nhưng luôn tìm về nhau trong những lần hội ngộ.” Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, đại diện Vạn Hạnh đến từ Úc, phát biểu.
Trước 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning), Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association), và là Hội viên Sáng lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Theo ban tổ chức, sau ngày hội ngộ, quý vị giáo sư và cựu sinh viên Vạn Hạnh sẽ tham gia đi bộ do Hội Hỗ Trợ Giáo Dục Vạn Hạnh VHEF (Vạn Hạnh Educational Foundation) tổ chức tại bãi biển Huntington Beach, Nam California, để gây quỹ học bổng Vạn Hạnh hàng năm cho học sinh nghèo hiếu học tại Việt Nam. 
(Văn Lan)
8664280719






Saturday, July 27, 2019

Đi xin ăn để trả hiếu

Vào đầu thập niên 1950, thuở niên thiếu, cha mẹ tôi còn sanh tiền, tôi còn nhỏ tuổi, nhà ở gần ngôi trường làng, đây là ngôi trường duy nhất trong làng, tôi không biết nó được xây cất từ năm nào, cùng giống như nhiều ngôi trường làng khác ở trong Nam, trường xây tường, lợp ngói móc, nền xây cao hơn sân chừng 3 tấc, lát gạch Tàu.

Trường cách xa nhà tôi chưa đầy 100 thước, nhưng thuở nhỏ đi học vở lòng, tôi không học trường nầy mà theo người chú là Trưởng giáo sang bên kia sông học với thầy Lê Văn Thọ, thầy gốc người Tân An, cả 2 ngôi trường đều xây cất giống nhau, có 3 lớp học và một gian nhỏ bên cạnh, để Trưởng giáo cư ngụ và trông nom trường.  


Trường tôi theo học có tên là École de Bình Mỹ, chỉ có 2 thầy giáo dạy học trò. Thầy tôi dạy lớp Élémentaire, chú tôi dạy 2 lớp nhập chung là Cour Moyen và Superieure, trai gái học chung, lớp tôi ngày nay tôi chỉ còn nhớ có cô The, lớp chú tôi có nhiều con gái hơn, nào là con của chú tôi nào là chị Phấn …

Còn trường làng tôi, cả 3 lớp đều có học trò. Bây giờ tôi mới hiểu làng tôi đông dân cư hơn, nó có một cù lao, đó là cù lao Năng gù có chừng 16 cây số vuông, cộng thêm một ấp Bình An là xóm Đạo nằm bên kia sông giáp với làng Bình Mỹ thuộc quận Châu Phủ tỉnh Châu Đốc, với làng Bình Hòa và Cần Đăng cùng với làng tôi Bình Thủy thuộc huyện Châu thành, tỉnh Long Xuyên.

Cho đến khi Nhật đão chánh Tây năm 1945, các thầy giáo dạy trường gần nhà tôi bỏ lớp, bỏ trường đi theo Thanh niên Tiền phong chống Pháp, giành độc lập, còn trường bên kia sông chú tôi, thầy tôi bỏ trường về tỉnh Châu Đốc dạy học. Tôi mới học “đánh vần ngược” thì bị thất học từ đó.

Trường làng gần nhà, các thầy đi theo kháng chiến hay họ trở về quê nhà tôi không rõ, chìa khóa trường giao cho cha tôi cất giữ, có lúc anh tôi và một người bạn lấy trường mở lớp dạy tư, được một thời gian vài tháng, anh tôi trốn nhà lên Sàigòn lập thân, người bạn anh tôi đi bán thuốc “Sơn Đông mãi võ” lấy hiệu là Hoài Sanh, chuyên bán ở vùng “sông nước miền Tây”.

Thuở đó trong làng, thuộc vùng Cù lao, gần như tôi biết hết mọi nhà, vì cha tôi là cháu chắt dòng họ Dương, có ông Dương Văn Hóa lập làng nầy, mộ ông chôn cất trong phần đất của bà Cố tôi, gần đây con cháu họ Dương lập phủ thờ, họ cải táng ông Dương Văn Hóa về Phủ thờ cất bên cạnh Đình làng.

Cha tôi từng giữ chức Hương Quản rồi Hương Sư, nên cha tôi biết hết dân cư trong làng, cha tôi có hôm nói với người quen: “Trong làng nầy, tôi không thể làm suôi với ai hết, vì không bà con bên nội cũng bà con bên ngoại.

Thời cha tôi làm làng không hiểu do đâu mà 12 ông Hội tề, mỗi ông commande một chiếc xe đạp từ bên Pháp gửi sang hiệu Saint-Etienne, do cha tôi cao, nên chiếc xe cao hơn hết, chỉ có chú Chín tôi là chiếc “xe máy đầm”. Tôi tập chạy xe khi còn nhỏ, phải lòn người qua “cái đòn dong”, nửa bên nây và nửa bên kia để chạy, xe không có thắng, muốn ngừng phải dùng bàn chân tựa vào sườn xe để đè ép võ xe lại.

Vì biết chạy xe đạp, nên cha tôi thường sai đi chỗ nọ, chỗ kia từ đầu làng cho đến cuối làng, hơn nữa nhà cha tôi có nuôi một bầy dê để lấy sửa uống, cho nên vào mùa nước nổi dê không thể ra đồng, tôi phải lùa dê ngoài đường lộ, cho chúng ăn những hàng me nước, người ta cũng gọi là me keo, thân và nhánh nó có gai, nên chìm dòng dọc thường làm ổ trên nhánh cây nầy, ổ của nó làm bằng những cọng cỏ kết lại, vì nó nặng nên nhánh cây bị rũ xuống, ổ có cái miệng thòng xuống như một chiếc vớ, trẻ con lấy ổ chim nầy xỏ vào chân làm chiếc vớ đùa nghịch. Cây me nước trồng lâu năm có trái, có loại ăn chát, có loại ăn ngọt, thân nó chỉ là gỗ tạp dùng làm củi, người ta thường trồng loại cây nầy làm hàng rào trước sân nhị 

Khoảng cuối thập niên 1940, có người bà con lấy trường mở lớp dạy tư, học trò đi học có người ở đầu làng cũng không thiếu người ở cuối làng, tôi cũng đi học lớp nầy, nên có nhiều bạn học. Nhờ đi công việc cho cha tôi, nhờ chăn dê, nhờ có bạn học, tôi biết được nhiều người, nhiều nhà trong làng.

Tôi có người cô, nhà cô ở phía dưới chợ, cách nhau chừng 300 thước, ngay sát cạnh nhà cô tôi có cái mương, thông từ Rạch Chanh ra Xép Năng Gù, ngày nay có tên là Mương Năm Đô, hắn là con thứ năm của cô tôi. Bên kia mương có một người, thuở nhỏ tôi biết ông ta đi xin ăn. Khi tôi lớn hơn một chút, khoảng 11, 12 tuổi ông ta không còn đi xin ăn nữa, không rõ vì trong gia đình có con lớn lên làm ăn đủ sống hay vì ông ta già yếu. Tôi không rõ lắm vì một năm có đôi ba lần tôi đến nhà cô tôi ăn giỗ hay ngày tư ngày Tết, chuyện chòm xóm của cô tôi, tôi không hỏi, trừ có A Dậu, con chú Tư chệt Soạn, nhà bên cạnh phía dưới thỉnh thoảng tôi có hỏi, khi không thấy cô ấy sang chơi hoặc phụ giúp khi nhà có giỗ quãi.

Một hôm đi chơi về, thấy có người ăn xin mặc bộ bà ba đen, đầu đội nớn lá, tay xách bị giỏ bàng, tay cầm gậy đứng ngay cầu thang lên nhà, tôi đi vượt qua người ăn xin rồi vào gặp mẹ tôi trong nhà bếp, tôi báo cho mẹ biết:

- Má ơi ! Có người đàn ông đứng ở cầu thang nhà mình xin ăn.

Mẹ tôi nói không cần suy nghĩ:

- Thì vào xúc gạo cho người ta như mọi lần đi con.

Tôi nghe lời mẹ, lấy cái chén đi đến lu gạo đặt gần bồ lúa, xúc một chén đầy, đem ra cho người ăn xin. Khi người ăn xin dùng hai tay cầm hai quai cái giỏ bàng mở miệng giỏ ra để tôi đỗ gạo vào, tôi mới nhìn được mặt người ăn xin và nhận ra anh ta là con người ăn xin, hàng xóm của cô tôi.

Khi người ăn xin đi rồi, tôi thắc mắc cầm cái chén không kịp úp vào sóng chén, đến bên bếp hỏi mẹ tôi.

- Má ơi !

- Gì nữa con ?

- Con thấy anh ăn xin là con người ăn xin, hàng xóm của cô Năm. Con thắc mắc.

- Thắc mắc chi con ?

- Ba anh ấy trước kia ăn xin, nhưng lâu rồi con không thấy ông ta ăn xin nữa. Còn anh nầy ăn mặc lành lặn, không có gì chứng tỏ nghèo khó, sao anh ta lại đi ăn xin ?

- À ! Hình như ông ăn xin xóm giềng của cô Năm mất lầu rồi. Con của người ăn xin, đi ăn xin lúc nãy không phải anh ta nghèo đói, theo má biết anh ta đi xin ăn để cúng giỗ cha mình, anh ấy đi xin ăn để trả hiếu đó con.

Mẹ tôi nói làm cho tôi thắc mắc nên hỏi thêm:

- Đi xin của thiên hạ về cúng kiến cha mẹ mình, thì có gì mà trả hiếu má ?

Mẹ tôi suy nghĩ trả lời:

- Con còn nhỏ chưa hiểu được, đó là một phong tục của người ăn xin. Nhớ lời má nói hôm nay, khi lớn lên con mới hiểu phong tục trả hiếu nầy.

Vài năm sau, năm 1956 nhà báo Anh Phương Trần Văn Ngà làm huấn luyện viên thể dục thể thao, hướng dẫn chúng tôi là học sinh Trường Thủ Khoa Nghĩa, Trường Nam, Trường Nữ tỉnh lỵ Châu Đốc đi trại Hè Vũng Tàu, vì có ít trại sinh nên ghép thêm học sinh trường Chu Văn An ở Sàigòn vào thành một Đội, nên có thêm một ông huấn luyên viên nữa trông nom.


Một hôm trại Hè tổ chức Trò Chơi Lớn đi từ trại Hè ở gần Bót Cảnh Sát đi ra Bãi Sau, hồi đó nó là con đường một bên là chân núi Lớn, một bên là đầm lầy có những đám bàng, đám lác gần ra tới bãi Sau thì có những đụn cát, Khi trò chơi chấm dứt lúc đi về, thấy phía trong xa ở những đám lác và bờ đê, có một người cụt một chân, đang đứng với cái nạn câu cá. Ông thầy huấn luyện viên chỉ người câu cá ấy nói:

- Đó là một người quân tử !

Đám học sinh chúng tôi nhao nhao hỏi:

- Ông cụt chân! Người tàn tật mà quân tử sao thầy !?

- Ừ ! Các con không biết ! Đâu phải như Quan Công mới là quân tử, người tàn tật mà không đi ăn xin. Ông ta tự đi làm để nuôi mình, có tiết tháo. Đó cũng là quân tử.

Từ đó tôi hiểu được một ý nghĩa của người quân tử. Còn về người đi ăn xin để cúng giỗ cha mẹ, nhiều năm sau nầy, tôi mới hiểu được ý nghĩa phong tục con cái của người ăn xin phải đi xin ăn để cúng giỗ, trả hiếu cho cha mẹ mình.


Thật vậy, người ta thường nói làm cha mẹ rồi mới biết công khó, lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Con của những người ăn xin, có đi ăn xin mới biết được sự tủi nhục, nhọc nhằn khi đi ăn xin từng nhà, khi ngồi ở đầu đường xó chợ. Xin đọc bài Người ăn mày của vua Lê Thánh Tông qua bốn câu Thực và Luận:

Hạt châu, chúa cấp trao ngang mặt,
Bệ ngọc, tôi từng đứng chấp tay.
Nam bắc đông tây đều tới cửa,
Trẻ già lớn bé cũng xưng thầy.

Chúng ta sẽ cảm thấy thấm thía cảnh xin ăn. Và mới thấu hiểu con người ăn xin phải đi ăn xin mới thấu hiểu mọi nổi của kiếp người xin ăn. Hiểu được như vậy mới biết công đức cha mẹ nuôi con cái như thế nào.

8664270719









Sunday, July 21, 2019

Một chuyến đi Huế năm 2019

Ra Huế viếng thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh


Lúc đi viếng Phật tích ở Ấn Độ, các cháu rủ chúng tôi đi Huế thăm Thiền sư Nhất Hạnh, nhà tôi và tôi đồng ý đi cùng các cháu. Nhớ lại lúc ở Mỹ có thấy tin tức Sư cô Chân Không tiếp phái đoàn Nghị sĩ hay Dân Biểu Mỹ đến Huế thăm Thiền sư Nhất Hạnh, tôi ước chi lúc đó nếu đang ở Việt Nam, tôi sẽ bay ra Huế để thăm viếng Sư cô, vì trên 50 năm rồi chưa có dịp gặp lại. Năm 1965, Sư cô là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Viện Đại Học Vạn Hạnh khóa II, tôi là Phó Chủ tịch Ngoại vụ, chị Nhất Chi Mai là Thủ quỹ.

Ngày Thứ Bảy 20-4-2019, chúng tôi bay ra Huế với thành phần đi Ấn Độ hôm trước gồm có Bùi Văn Đà, Trần Cảnh Hải Đoan, Thanh, nhà tôi và tôi. Chúng tôi đi chuyến bay VietJet vaò lúc 6 giờ sáng, còn Hải Đoàn và Thanh đi chuyến bay Air VietNam vào lúc 6 giờ 15. Ra đến phi trường Phú Bài, chúng tôi đợi một chốc thì có Hải Đoan, Thanh, Nga, Laura và Tiên ra nhập thành một nhóm 8 người, chúng tôi về khách sạn Laurel tại số 7 Đội Cung, nằm cạnh khách sạn Mường Thanh, Huế.

Vì chưa tới giờ nhận phòng, nên chúng tôi gửi hành lý tại khách sạn rồi tranh thủ đi ăn sáng và lên chùa Từ Hiếu. Vì có người ăn chay và ăn mặn nên chúng tôi chia làm 2 xe, xe chúng tôi có Đà, Nga, nhà tôi và tôi đi từ thành phố qua khỏi Từ Hiếu rồi ghé quán Thiền Tâm ăn sáng. Ra Huế dĩ nhiên là chúng tôi dùng Bún bò Huế, bánh Nậm và Bánh Bột Lọc.


Trong quán nầy có 3 căn nhà, căn ngay cổng ra vào, có tầng lầu, căn kế có quầy tính tiền, căn tiếp theo có nhà bếp và vài cái tủ bán vật kỷ niệm như xâu chuổi, tràng hạt, tượng Phật, kế đó là nhà vệ sinh.


Trong mồi nhà ăn bày biện bàn ghế theo phong cách cổ xưa của người Huế.

Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi đến chùa Từ Hiếu cũng gặp nhóm những người kia đến, chúng tôi vào chùa đang trùng tu Chánh điện, nên vào phía sau để lễ Phật và chụp một tấm ảnh kỷ niệm bên cạnh gốc khế già trên trăm tuổi.


Chúng tôi rời Hậu liêu, sang Diệu Trạm Ni Viện bên cạnh chùa, hỏi thăm Sư cô Chân Không đã về Pháp, chúng tôi đành phải chờ người thầy thuốc đang trị bệnh cho Thiền sư từ Quãng Nam ra, ông ta hứa sẽ đưa cháu Nga là người có quen với ông ta vào gặp Thiền sư.

Chúng tôi chờ đợi ở sân ni viện, dưới tàng nhà mát nhỏ.


Rồi chúng tôi sang nhà Thiền trà, tôi phát hiện Thanh và Nga giống nhau như hai chị em, nhưng đây là lần đầu tiên hai người đi chung với nhau.


Do trời oi bức quá, tôi rời nhà Thiền trà vào trong nhà khách tìm chỗ ngồi uống nước, trong khi có nhiều Tăng, Ni và khách thập phương ngồi ăn tàu hũ. Có một ni cô đến chào và hỏi tôi có dùng được tàu hũ không ? Tôi cám ơn không dùng.

Tôi trở ra ngoài ngồi lại dưới mái nhà mát nhỏ, nhưng trời oi bức quá tôi lại vào trong nhà khách ngồi dưới cây quạt máy. Lúc nầy, chư Tăng, Ni và khách thập phương dùng cơm trưa xong, họ tản mát cả, có một ni cô đến chào tôi và hỏi:

- Thưa chú, chú có cần nghỉ trưa không ? 

Tôi đáp:

- Dạ thưa cô không cần.

Cô ấy lại ân cần nói tiếp:

- Thưa chú ! Chú cần nghỉ trưa mời chú lên lầu, trên đó có phòng lạnh.

Thấy cô ấy ân cần quá, tôi tôi đứng lên, cám ơn và đi ra phía trước, ngay lúc đó nhà tôi vẫy gọi tôi ra về khách sạn nghỉ trưa, chiều sẽ trở lại vì người thầy thuốc khoảng 3 giờ chiều mới ra tới.

Trên đường Lê Ngô Cát có một cái cổng đi vào chùa Từ Hiếu, xe chạy vào một khoảng, bên tay trái có cổng chùa Từ Hiếu.


Qua khỏi cổng là một cái hồ nước bán nguyệt xây tô, có nhiều cá bằng cườm tay, có cả rùa, qua khỏi hồ có con đường dẫn vào chùa, nếu rẽ trái sẽ dần đến ni viện Diệu Trạm, nếu bước lên những bậc cấp sẽ dẫn lên chùa, Chánh điện đang trùng tu, cho nên theo Đông lang sẽ dẫn đến Hậu tổ.

Kế bên Tây lang có 2 cái tháp, một cái của Tăng Cang Nhất Định, một cái của Hòa Thượng Tăng Cang khác.


Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già. Cảm động về sự hiếu thảo, sau khi ngài viên tịch, Vua Tự Đức đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”. Hiểu theo nghĩa của Đạo Phật là đạo hiếu giữa bố mẹ và con cái.

Năm 1848, Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn với kinh phí được vua Tự Đức cấp và từ các vị quan thái giám triều Nguyễn và các Phật tử cúng dường. Từ đó, chùa Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Bên tay trái cạnh tháp của 2 vị Tăng Cang là nhà trù hoặc tăng xá tôi không rõ, có hành lang là những bậc thang dẫn lên liêu của Trụ trì, qua khỏi liêu của Trụ trì là khu lăng mộ của các Thái giám triều Nguyễn là những vị góp phần tôn tạo chùa.

Hơn 3 giờ rưỡi, chúng tôi mới trở lại chùa Từ Hiếu, trước sân chùa cạnh tháp chuông còn một nhóm Phật tử nghe đâu ở Đồng Tháp ra để viếng thăm thiền sư. Nơi đây có 2 bàn và đôn bằng đá, chúng tôi ngồi chờ. Giữa chỗ chúng tôi ngồi và Tăng xá có một hàng rào sắt, trước hàng rào có mộ của 3 vị Thái giám, có tháp của 2 vị Hòa Thượng trụ trì chùa.


Nga cầm phong bì có tiền đưa cho tôi và nói: “Thưa chú, chú là người lớn tuổi. Vậy chú đại diện cho nhóm giữ phong bì nầy, khi gặp Sư ông, chú cúng duờng cho Sư ông.” Tôi không thể từ chối, cũng đóng góp thêm một số tiền, mặc dù biết nhà tôi đã đóng góp cúng dường rồi.

Hơn 4 giờ, ông thầy thuốc đến, ông ta tuổi ngoài 50, cho biết đã nhờ một vị Ni thu xếp cho chúng tôi vào thăm viếng thiền sư. Trong lúc chờ đợi, cô Lausa gặp một người bạn, cô nầy đi với người bạn khác. Thỉnh thoảng có người đi vào khu Tăng xá, có một ni cô mở cổng và đóng cổng, nơi đây có sân rộng có vài chú tiểu đá cầu hoặc tập thể dục.

Trong khi chờ đợi, tôi đi xem khu mộ của những vị Thái Giám, có cổng và tường rào, nhưng rêu phong khắp cả, bên trong có nhiều ngôi mộ cổ, bia thì được dựng mới. Phía trước và thế đất thấp hơn, có nhiều ngôi mộ Thái giám mới trùng tu, những ngôi mộ nầy liền với khu 2 tháp và 3 mộ Thái giám gần chỗ chúng tôi ngồi.


Bỗng nhiên bạn của Laura, từ giữa Tăng xávà liêu trụ trì hấp tấp vui vẻ đi ra cổng rào, tay vẫy chúng tôi như dấu hiệu kêu gọi đi vào, thế là chúng tôi đi vào trừ có Nga và Đà không đi, chừng như chưa được phép chính thức nên không vào.

Chúng tôi vào đứng ở vách Tăng xá, nhìn sang liêu phòng, thấy Thiền sư tươi tĩnh, nhìn sang chúng tôi. Mọi người lấy điện thoại thông minh ra, nhưng có ai đó khuyên không nên chụp ảnh. Tôi bước đến vị tăng đứng gần đó, cho biết nhóm Phật tử chúng tôi có số hiện kim cúng dường thiền sư, nhờ giúp dùm, vị tăng ấy nhận phong bì, bảo tôi đứng chờ, ngay lúc đó thị giả đã đẩy chiếc xe lăn, đưa thiền sư đi khuất khung cửa sổ, nghe nói đưa thiền sư đi thọ thực.


Thế là chúng tôi ra về, mọi người hoan hỷ được nhìn thấy thiền sư, trông rõ thần sắc của người an nhiên, ai cũng mừng cho người pháp thể an khang.

Chúng tôi chia làm 2 xe ra về, một nhóm đi ăn mặn, chúng tôi ăn chay nên đến quán chay Bồ Đề bên bờ sông Hương, gần cầu Tràng tiên. Gọi mấy món ăn, dở tệ là món mì xào dòn, hình như là bún Tàu, có vài cọng chưa chín nên vẫn còn nhỏ và cứng ngắt. Gỏi với bánh Bột lọc ăn được ngon miệng.

Sau khi dùng cơm xong Nga và Đà vào bệnh viện thăm thân mẫu của một Thầy thuộc làng Mai, nhà tôi và tôi đi xuống cầu đi bộ, cầu cất dọc theo sông Hương, ngang 4 thước, dài 450 thước, bằng danh mộc gỗ lim.


Mặc dù đứng trên cầu, nhưng thời tiết oi bức quá, nhà tôi thấy khó chịu trong người, nên chúng tôi gọi Taxi đi về khách sạn, mặc dù tôi biết từ đó về khách sạn chẳng bao xa. Tới khách sạn tôi trả tiền hơn một “cuốc”, bước lên, bước xuống.

Đà đi bệnh viện về, cho biết sẽ gọi tôi đi bộ ban đêm, nhưng tôi từ chối vì thời tiết oi bức quá, mọi phòng đều mở máy điều hòa, nên không mát là bao nhiêu.

Một ngày đến Huế, xem như chúng tôi đã toại nguyện vì đã được thăm viếng thiền sư Nhất Hạnh, mặc dù chỉ đứng xa khoảng chừng 7 hay 8 thước trở lại.

Xem thê hình ảnh tại:




Tham quan Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã


Sáng hôm nay, chúng tôi ăn sáng tại Quán cơm chay dưỡng sinh, số 3 Lê Quý Đôn, nơi đây là một phần đất thuộc chùa Liên Hoa, hôm nay có thêm anh Hồ Minh Quân từ Sàigòn ra Đà Nẵng rồi từ Đà Nẵng ra Huế nhập vào nhóm chúng tôi. Quân cũng ăn chay.


Sau khi điểm tâm, đoàn chúng tôi gồm có 9 người, nên chia thành 2 xe đi Bạch Mã, để viếng thăm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.


Từ khi xây dựng Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt năm 1993, kế tiếp trùng tu chùa Lân ở núi Yên tử tại Quảng Ninh thànhThiền viện Trúc Lâm Yên Tử năm 2002, rồi Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tại Huế năm 2006, Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc tại Phú Quốc 2011, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam tại Cần Thơ năm 2013, đó là những Thiền viện thuộc thiền phái của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, ngoài ra còn có những Thiền Viện được xây dựng trước đó như là Pháp Lạc Thất năm 1966, sau đổi ra Tu viện Chân Không ở Vũng Tàu, Thiền viện Thường Chiếu ở Đồng Nai.

Lần nầy chúng tôi muốn viếng chùa, tham quan cảnh trí ở vùng Bạch Mã, nơi đó Hướng Đạo hay Gia Đình Phật Tử thường tổ chức Trại huấn luyện hay trại du ngoạn.

Chùa xây dựng nơi có một voi đất thuộc núi Bạch Mã nằm trong Vườn Quốc Gia Bạch Mã. Đến Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã trước tiên người ta nhìn thấy Phật Đài. Muốn đi đến Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã, người ta phải dùng thuyền máy để đi qua cái đầm. 


Thuyền sẽ đậu dưới bến. Muốn đi Phật đài phải đi qua cái cầu và lội bộ 500 m. Muốn đi lên Thiền viện, từ bến đò chúng ta phải đi bộ một khoảng chừng 100 m, sau đó bước lên 174 bậc thang mới đến tam quan.


Qua khỏi tam quan có tháp chuông bên tay phải bên tay trái có nhà khách, ở giữa là Chánh Điện phía sau có Tổ đường.


Hôm chúng tôi viếng Thiền viện, trên cây bên cạnh tháp chuông có con Vọc đang ở đó. Quân chụp ảnh nó, đến gần để lấy ảnh đẹp.


Quân bị con vọc cắn vào mông, rách quần. Những người chụp ảnh cho biết thường ngày nó hiền lắm, có lẽ nó tưởng Quân dùng khí giới bắn nó, nên nó nhảy tới cắn Quân.


Chúng tôi vào Chánh điện lễ Phật, ra sau Tổ đường lễ Tổ, thấy có tượng của Hòa thượng Thích Thanh Từ vác Thiền trượng, tượng to lớn cao chừng 3 thước, phết nhủ vàng.


Vì hôm qua, ông thầy thấy nhà tôi chân bị yếu nên ra tay tế độ, hẹn hôm này vào lúc 2 giờ đến khách sạn chữa trị cho nhà tôi, vì thế chúng tôi phải ra về sau khi xem đồng hồ đã hơn 12 giờ. Ra về, mặc dù chúng tôi chưa đi tham quan vài kiến trúc khác của chùa, cũng không gặp bất kỳ vị tu sĩ nào ở chùa.



Về khách sạn một chốc thì được ông thầy đến thoa bóp thuốc cho nhà tôi, rồi chúng tôi nghỉ ngơi. Trong khi đó Đà và Quân vào Từ Hiếu. Chiều hôm nay Thiền sư Nhất Hạnh được thị giả đẩy xe lăn cho người đi dạo quanh chùa, Đà và Quân được Thiền hành theo thiền sư.

Buổi chiều chúng tôi đi ăn chè rồi đi Cyclo dạo phố Huế, đi qua cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba vào Thành Nội qua cửa Đông Ba.



Ra cửa khác gặp Bến ngự rồi trở về khách sạn, đi ăn để Hải Đoan và Thanh đáp chuyến bay Vietnam Airlines về Sàigòn chuyến 8 giờ tối. Lúc đến quán ăn đã gần 7 giờ.

Đà. Nga và chúng tôi lại đi ăn ở Liên Hoa, Nga sẽ đáp chuyến bay chót của Vietnam Airlines vào lúc 10 giờ đêm. Trong khi đang ăn Đà nhận được điện thoại Hải Đoan và Thanh chưa lấy Chứng minh nhân dân nộp cho khách sạn hôm qua. Thế là Đà tức tốc bỏ ăn bắt xe về khách sạn lấy giấy tờ mang ra phi trường cho hai cô nàng.

Chúng tôi ăn xong trở về khách sạn nghỉ ngơi, Nga lại đi vào bệnh viện thăm người bệnh trước khi về Sàigòn.

Đoàn còn lại có Quân, Đà, Laura, Tiên và chúng tôi sẽ đi tham quan vài nơi cho ngày mai. Đà muốn đưa anh chị em đi thành nội hoặc đi chùa. Quân muốn đi chùa Từ Vân, tôi muốn đi chùa Tường Vân nhưng không phát biểu còn Laura, Tiên và nhà tôi không thấy có ý kiến chi hết.

Biết tôi đi Huế, Nguyễn Hữu Lộc nói với tôi: “Ra Huế ông đi viếng thăm thiền sư Nhất Hạnh và nên tham quan Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã cảnh quang rất đẹp.”

Xem thêm hình ảnh tại:



Ngày rời cố đô Huế


Hôm qua 3 thành viên đã đáp chuyến bay về Sàigòn, vì họ có công việc phải làm đó là Hải Đoan, Thanh và Nga. Chúng tôi còn lại có Quân, Đà, Laura, Tiên, nhà tôi và tôi.

Hôm nay, 22-4-2019 sáng sớm tôi đi ra sông Hương ngồi uống cà phê vỉa hè, có những người già cũng như trung niên đi bộ thể thao, có những người đi bộ xong, quay quần bên bàn cà-phê thưởng thức những giọt đắng và trao đổi nhau những câu chuyện buồn vui.


Tôi lấy một cái ghế, ngồi nhìn ra sông Hương, gọi ly cà phê sữa, thả hồn nhìn trên cầu Tràng Tiền xe cộ qua lại, nhìn bên kia sông, ẩn sau hàng cây xanh là chợ Đông Ba.


Tưởng cũng nên nói về câu Ca dao:

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Thương nhau rồi xin kịp về mau.
Kẻo mai tê bóng xế qua cầu,
Bạn còn thương bạn, biết gửi sầu về nơi mô ?

Với cầu, sàn nối từ móng nọ sang móng kia gọi là nhịp. Vậy cầu Tràng Tiền có 6 nhịp, mỗi bên có phần hình vòng cung gọi là Vài. Như vậy thực tế Cầu Tràng Tiền chỉ có 6 nhịp và có đến 12 Vài. Nhưng do người ta đặt Ca dao, thay đổi chỗ cho được đúng vần đúng điệu.

Buổi sáng thật thanh bình trên bờ sông Hương, dùng xong ly cà phê, tôi đứng lên theo đường đi bộ dọc bờ sông trở về khách sạn, nhìn về phía Cồn Hến thấy có người chèo thuyền buỗi sáng thật quá nên thơ.
Sáng nay chúng tôi cùng đi trên chuyến xe 7 chỗ, do Quân chủ động hướng dẫn, trước tiên là đi đến Vĩ Dạ, do đường đang sửa chữa, nên chúng tôi chỉ đến một đoạn ngắn, nhìn ngôi nhà xưa với những hàng cau, để nhớ đến Hàn Mạc Tử, viết về mối tình si tiểu thư Hoàng Thị Kim Cúc, sau nầy chị là Tổng Giám Thị Trường Đồng Khánh. 


Hoàng Thị Kim Cúc

Bài thơ nhiều người đã biết Ðây Thôn Vĩ Dạ :

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay,
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?

Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo anh trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà. 


Năm 1941, Chị Hoàng Thị Kim Cúc có bài thơ cảm tác Ở Đây Thôn Vỹ Dạ:

Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Vẫn biết cách xa ngoài vạn dặm.
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ!
Một mình một cõi với nước mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Lẫy lừng danh tiếng kể từ đây.
Hồn anh lẫn khuất tận mô xa,
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa đời phức tạp ấy
Ai biết tình ai vẫn đậm đà!!

(H.H. thôn nữ)

Xin mời đọc chi tiết tại  https://kontumquetoi.com/2017/04/21/la-truc-che-ngang-mat-chu-diengai-hue-thoi-tien-chien-phan-thanh-tam/

Người ta cũng nhắc đến Mộng Cầm, tôi nhớ có đọc bài báo viết về Mộng Cầm, có đăng cả ảnh, thi sĩ Mộng Cầm mất vào ngày 23-7-2007 tại Phan Thiết.  

                                        Ảnh bà Mộng Cầm chụp vào năm 1990

Quân thích ghi kỷ niệm tại ngôi nhà xưa ở Vĩ Dạ.

Rời thôn Vĩ Dạ, chúng tôi đi tham quan cầu ngói Thanh Toàn. Tại đây có nhiều du khách ngoại quốc hơn là du khách Việt.

Cầu ngói Thanh Toàn bắt ngang qua con rạch, có thể đi bộ. Hay đi xe đạp, để đi phương tiện khác người ta xây một cây cầu khác cách đó chừng 4 hay 5 mươi thước.

Chúng tôi thuê xuồng, cứ 3 người 1 chiếc, sau khi xuống xuồng, trước tiên người ta thả một mẻ lưới rồi bơi xuồng chui qua cầu, ra một con rạch lớn hơn một chút. Người bơi xuồng, bơi một đoạn rồi bơi trở lui cho chúng tôi chụp ảnh có cái Vó, sau đó chui qua cầu thu lưới để bắt cá, có nhiều cá mắc lưới, cá chỉ lớn chừng 2 ngón tay, cá mắc lưới cả thảy chừng chục con. Quân cho tiền, yêu cầu họ thả cá chớ không nên bắt chúng.


Lên bờ, chúng tôi giải khát nước mía, nơi đây có ngôi chợ làng buôn bán khá rộn rịp. Chúng tôi mua 2 bộ bình trà, một bộ có cả cái khay bằng tre. Quân, Laura, Tiên thích ngồi nghe một chị bán hàng ngâm thơ. Trước đó Quân cho tôi biết chị ta là nhà thơ, tôi hỏi tên Quân không nhớ, bảo lên mạng tìm thì có. Đố ai tìm được khi chúng ta không biết nhà thơ tên chi. Tôi hỏi chị ta, chị ta bảo ủng hộ mua hàng đi thì biết ngay. Tôi có đứng từ cửa hàng bán ấm chén, nghe chị ta ngâm thơ nhưng cũng chẳng rõ chị ta là thi sĩ với nghệ danh là chi.


Sau khi nghe ngâm thơ và mua vài vật kỷ niệm xong, chúng tôi ra xe đi đến chùa Diệu Đế, hiện nay chùa đang trùng tu ngôi Chánh điện vài năm nữa mới xong.


Thấy Laura và Tiên chụp ảnh bên cạnh cây vả, tôi hỏi một chị làm bếp đứng gần đó hái một trái ăn, chị lấy dao gọt vỏ, xẻ ra làm mấy miếng và lấy muối cho tôi dung, nhưng chị cho biết trái nầy già ăn sẽ chát.


Có một thầy có lẽ là thầy trụ trì, bảo tôi: “Anh hái trái non ăn ngon hơn”. Thế là chị khi nảy hái cho tôi vài trái non, tôi lấy một trái ăn để nhớ tới năm 1965, đi với phái đoàn BHDTW GĐPTVN có cả Thầy Minh Châu, anh Trần Quang Thuận và các anh Võ Đình Cường, Cao Chánh Hựu, Lê Cao Phan, Lữ Hồ, Lương Hoàng Chuẩn, Nguyễn Khắc Từ…

Lúc tham quan chùa Thiên Mụ anh Trần Quang Thuận xin phép Ôn Đôn Hậu mở cửa Tháp, nhờ đó tôi đã leo lên đến tầng tận cùng, nghe nói xưa kia thờ tượng Phật bằng vàng trên đó. Hơn nữa lúc ra phía hông chùa, thấy anh Thuận đang ăn sống trái chi xanh xanh, hỏi anh, anh bảo: “Trái vả, bẻ một trái ăn cho biết hỷ ! Xuống bếp xin muối, chấm muối như anh đây mới ngon.”

Những người tôi nêu tên trên, ngày nay không còn nữa, hoặc đã cao đăng Phật quốc hoặc cát bụi trở về cát bụi từ lâu rồi.
 

Rời Diệu Đế, chúng tôi đến chùa Từ Vân. Thầy trụ trì Thích Vân Pháp và anh Quân đã quen biết nhau từ một chuyến du lịch, tham quan chùa chiền ở Miến Điện hay Tích Lan trước đó.

Chúng tôi vào chùa lễ Phật, rồi sang hậu liêu, Thầy Trụ trì đang thọ trai, nên chúng tôi được thị giả mời sang phòng khách uống trà. Sau khi thọ trai xong, Thầy Vân Pháp sang tiếp nhóm chúng tôi rất thân tình. Thầy đem hộp bánh chocola ra mời, mọi người không dám chối từ.

Thấy ngồi đã lâu, hơn nửa vào giờ trưa nên chúng tôi cáo từ. Mọi người được mời chụp tấm ảnh kỷ niệm với Thầy cạnh bức tranh thư pháp.


Nghĩ rằng còn chút thì giờ, nên tôi đề nghị đi viếng chùa Tường Vân, mọi người đều đồng ý, mặc dù đã quá ngọ. Cho nên đến chùa, chỉ viếng cảnh chớ không thể vào Chánh điện lễ Phật. Tôi đi tìm và gặp Tháp của Hòa Thượng Chơn Thiện, Thầy là người chủ xướng, tôi tham gia vào thành lập Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, nếu tôi nhớ không lầm, ngày 12 tháng Giêng năm 1965, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Viện Đại Học Vạn Thầy, ngay sau buổi lễ, thầy Chơn Thiện biết tôi là bạn với anh của Thầy là Nguyễn Văn Quýnh, nên Thầy mời tôi tham gia, tôi mời anh Nguyễn Đình Nam cùng tham gia, sau khi liên danh chúng tôi đắc cử, Luật sư Trần Tiến Tự làm Chủ tịch, Thầy Chơn Thiện, Phó Ngoại vụ, tôi Phó Nội vụ, anh Trần Thiện Bật Tổng Thư Ký, anh Nguyễn Đình Nam Phó TTK, chị Nguyễn Thị Nghĩa Thủ quỷ.

Mấy năm trước tôi đã biết tin Thầy viên tịch, nay ra Huế thăm lại Tường Vân, thấy được công trình xây dựng chùa rất hoành tráng, tôi đã tìm thấy tháp của Thầy. Trước kia tôi biết thế danh thầy là Nguyễn Hội, sinh năm 1942, pháp hiệu Chơn Thiện, nay mới biết thêm Pháp danh Thầy là Tâm Ngộ, nên phía sau lưng bia mộ của Thầy có một chữ Ngộ.

Vì buổi trưa chư Tăng nghỉ trưa, không thấy ai cả, nên mọi người ra về. Khi ra tới xe đậu trong sân chùa, tôi chợt nhớ, phía tay phải của chùa có ngôi nhà khá lớn, cửa mở và gian bên cạnh cũng mở cửa, nên tôi trở vào, bước lên các bậc thang, đi qua khoảng sân, bước vào trong gian chính, tôi thấy có một bàn thờ khá lớn, treo độc tấm ảnh màu của Hòa Thượng Chơn Thiện. Không thể gọi là Tổ đường, có thể gọi là điện thờ Hòa Thượng Chơn Thiện.

Trước bàn thờ có một bộ ván, hai bên là 2 hàng pháp khí, trước bộ ván có chuông và mõ.

Tôi nghĩ, có thể trước đây là phòng làm việc hay phòng khách của Hòa Thượng. Tôi bước qua bên cạnh, là một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng của thị giả của Thầy. Dù rằng không thể vào Chánh điện lễ Phật, nhưng đã viếng được tháp, bia mộ và điện thờ Hòa Thượng, nên tôi ra xe.

Đã quá trưa, nên chúng tôi đi luôn đến nhà hàng chay Thiền Tâm dùng cơm trưa.
 

Trời hôm nay cũng khá oi bức, sau khi dùng cơm xong chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, để 16 gìờ 30 trả phòng, ra phi trường Phú Bài đáp chuyến bay 18 giờ 30 về Sàigòn.

Về khách sạn nghỉ một lúc, nhìn đồng hồ đã 15 giờ, tôi nghĩ sao mình không đến Từ Đàm thăm lại chốn xưa ? Vào tháng Giêng năm 1964 chúng tôi ra Huế với Phái đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô, năm đó chúng tôi ngụ tại chùa Linh Phong, thăm viếng Từ Đàm, Từ Hiếu, Diệu Đế, Thiên Mụ, Ba La Mật …

Tôi gợi ý, nhà tôi đồng ý thế là chúng tôi gọi Taxi đi tới Từ Đàm, mới vào sân chụp tấm ảnh chùa, tháp và cây Bồ đề, có một cô Phật tử chỉ cho nhà tôi biết trên lầu chỗ Hòa Thượng Thích Trí Quang ở. Thế là chúng tôi lên lầu, cô ta lại theo lên hướng dẫn chúng tôi nhờ một thầy đang tưới lan, nhờ thầy ấy giúp cho vào thăm Hòa Thượng. Thầy ấy cũng sốt sắn đi tìm Thị giả báo cho biết chúng tôi muốn thăm viếng Hòa Thượng. Vị tăng nầy bảo cho tôi biết thăm được hay không là do Thị giả.

Khi Thị giả mở cửa phòng ra hỏi tôi có việc chi cần gặp Hòa Thượng. Tôi cho biết trước đây khi Hòa Thượng ở Quảng Hương Già Lam, Gia Định giáo sư Nguyễn Văn Hai nguyên Phó Viện trưởng Viện Đại Học Huế có nhờ tôi đến thăm sức khỏe Hòa Thượng, nay nhân tôi từ Sàigòn ra đây muốn thăm sức khỏe của Hòa Thượng.

Thị giả hỏi:

- Có phải Hồng Dương Nguyễn Văn Hai không ?

- Dạ phải.

Thị giả ôn tồn nói với tôi:

- Xin lỗi ! Do Hòa Thượng bị bệnh mất ngủ, nay ngài đang ngủ, tôi không thể đánh thức ngài dậy. Tôi đưa hai đạo hữu vào nhìn Hoà Thượng đang ngủ mà thôi.

Tôi hỏi xin chụp ảnh. Thị giả từ chối bảo không nên. Ngay lúc đó, Thị giả hướng dẫn chúng tôi tới cửa phòng ngủ của Hòa Thượng, nhẹ nhàng Thị giả mở cửa, ra dấu cho chúng tôi bước vào. Tôi nhìn thấy Hòa Thượng nằm trên cái giường, ngài năm nghiêng tay trái, đấp toàn thân một cái chăn, trừ có mặt và bàn tay trái ngài đưa ngang mặt, tay phải trong chăn, đầu trùm chiếc mũ nâu. Trông sắc mặt ngài hơi gầy, da mặt hơi xanh hay vì trong phòng không được sáng, nên thấy như thế.

Tôi lễ xong ngài một lễ, Thị giả ra dấu chỉ xá mà thôi, nên tôi xá đủ ba xá rồi đứng lên, nhà tôi cũng xá xong ba xá, thế là chúng tôi rời khỏi phòng để Hòa Thượng nghỉ.

Sau đó, chúng tôi qua Chánh điện lễ Phật, vừa lễ xong tôi gặp Nguyễn Thanh Chi là cựu học sinh Phan Đình Phùng, chúng tôi chụp ảnh, trao đổi vài câu rồi tôi rời Chánh điện. Sau đó, Thanh Chi ra sân gặp chúng tôi cho biết trước đây có đi Từ thiện, được Phạm Thị Minh Nguyệt cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ đưa đến viếng thăm chùa nầy. Rồi chúng tôi chia tay, vì tôi còn ít giờ để ra phi trường.

Về đến khách sạn, chúng tôi còn 10, 15 phút kiểm tra lại hành lý, giấy tờ rồi xuống phòng Lễ tân trả phòng. Sau đó chúng tôi lấy Taxi ra phi trường, còn Quân buổi trưa lúc 15 giờ đã có xe rước đi về Đà Nẵng, để sáng hôm sau về Sàigòn, nghe đâu về Đà Nẵng anh mãi mê tham quan, chụp ảnh nên trễ chuyến. Nhưng cũng về đến Sàigòn trong buổi sáng hôm đó.

Chúng tôi không ai ký gửi hành lý, xuống máy bay rồi, chúng tôi chờ một lúc không thấy Đà, Laura và Tiên đâu cả. Ra ngoài nhà ga tại cửa Ra chúng tôi chờ một lúc cũng không thấy ai cả, nên chúng tôi đành ra về không có chia tay vào giờ chót.

Chuyến đi Huế lần nầy, trước tiên tôi nghĩ cho nhà tôi biết thêm Huế, mặc dù vài năm trước chúng tôi đã có một chuyến du lịch tham quan Đà Nẵng, Huế, động Phong Nha, Thiên Đường ở Quãng Bình. Riêng Huế có tham quan Đại Nội, viếng thăm chùa Thiên Mụ, buổi tối xuống thuyền nghe ca Huế trên sông Hương.


Lần nầy nhà tôi được viếng Từ Đàm, Từ Hiếu, Từ Vân, Tường Vân, Diệu Đế nhất là được viếng thăm Hòa Thượng Trí Quang, Thiền sư Nhất Hạnh mọi chuyện đều là duyên. Có đủ nhân duyên thì thành tựu. Tôi hiểu vì sao không được chụp ảnh quý ngài. 

Vì giới làm thơ ngày trước ai cũng thuộc 2 câu thơ cổ:

      美人自古如名將
   不許人間見白頭

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Tạm dịch :

Người đẹp từ xưa như tướng giỏi Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu.


Xem thêm hình ảnh tại:




8664250419