Văn Lan/Người Việt
July 22, 2019
Các giáo sư và cựu sinh
viên Khoa Học Xã Hội Khóa 3 gặp lại nhau sau nửa thế kỷ. (Hình: Văn Lan/Người
Việt)
WESTMINSTER, California
(NV) – Hôm Thứ Bảy, 20
Tháng Bảy, 2019, tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster, đã diễn ra
buổi lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, và 50 năm thành lập
Phân Khoa Khoa Học Xã Hội khóa 3.
Buổi hội ngộ trong không
khí ấm tình thầy trò và đồng môn, sau nửa thế kỷ gặp lại, tay bắt mặt mừng giữa
những mái đầu đã phai màu thời gian.
Gần 1,000 hình ảnh trắng
đen của Viện Đại Học Vạn Hạnh, những tài liệu quý giá cất giữ đã nửa thế kỷ,
được trưng bày gồm những hình trắng đen thật sống động, từ cắt băng khánh thành
ngày đầu thành lập, những lớp học tại giảng đường, lễ tốt nghiệp, đội mũ áo ra
trường của các khóa, những sinh hoạt thế giới, kể cả những sinh hoạt văn nghệ
xã hội, thể dục của sinh viên. Ngoài ra còn có triển lãm ảnh nghệ thật của cựu
sinh viên ban báo chí.
Các giáo sư hiện diện gồm
Giáo Sư Phạm Vân Bằng và phu quân, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho; Giáo Sư Lê Đình
Phước; Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương; và các cựu sinh viên đồng môn từ Việt Nam,
Úc, San Jose, Texas, New York, Washington State, Bắc California tham dự.
Tìm lại kỷ niệm 55 năm xưa qua hàng ngàn bức
ảnh quý hiếm của Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Hình:Văn Lan/Người Việt)
Ban tổ chức cũng rất tiếc khi thông báo vì
lý do bất ngờ không đến dự được gồm các Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, Giáo Sư Phạm Cao
Dương, và Giáo Sư Hà Dương Dực.
Một poster thật lớn mang 2 dòng chữ “55 Năm
Vạn Hạnh 1964-2019” và “50 Năm Thành Lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội Khóa 3” được
mọi người yêu thích, cùng nhau chụp ảnh lưu niệm trước giờ khai mạc.
Ông Phan Hồng Long, đương kim hội trưởng Hội Ái Hữu
Vạn Hạnh Hải Ngoại phát biểu: “Hôm nay là một duyên hội ngộ, chúng ta làm lễ kỷ
niệm 55 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, 50 thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã
Hội 3, cũng là ngày đồng môn chúng ta từ khắp nơi về đây hội ngộ nơi miền đất
Nam California nắng ấm tình nồng của những người đã từng ngồi chung dưới một
mái trường, ôn lại kỷ niệm của những ngày xưa thân ái.”
Ông hội trưởng Phan Hồng Long (thứ nhất, phải) vinh
danh ban tổ chức đại hội kỷ niệm 55 năm Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Hình: Văn
Lan/Người Việt)
“Xin cảm ơn ban tổ chức buổi hội ngộ hôm
nay, đã gấp rút thực hiện được gây dựng thật xuất sắc cho buổi hội ngộ này, gồm
anh Lê Văn Thạnh, Nguyễn Trọng Hội, Trần Bình Chánh, Bùi Quốc Cường, Xin chân
thành cảm ơn ban to chức Hội Ái Hữu Vạn Hạnh Hải Ngoại, cảm tạ quý thầy cô và
các anh chị em đồng môn, kính chúc sức khỏe và mong rằng sẽ gặp nhau trong
nhiều năm nữa.”
Ông hội trưởng cũng thay mặt hội, đọc bức
thư của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, cựu phó viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, và
phu nhân, từ Việt Nam gởi lời hỏi thăm và chúc mừng đại hội.
Phát biểu về kỷ niệm qua 55 năm thành lập
Viện Đại Học Vạn Hạnh, ông Lê Văn Thạnh cho biết Viện Đại Học Vạn Hạnh là viện
đại học tư thục đầu tiên tại Sài Gòn, được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa cấp
phép thành lập ngày 17 Tháng Mười năm 1964, do Thượng Tọa Thích Minh Châu làm
viện trưởng, và Thượng Tọa Thích Mãn Giác làm phó viện trưởng.
Với phương châm “Duy Tuệ Thị Nghiệp” (lấy
trí tuệ làm sự nghiệp), Viện Đại Học Vạn Hạnh mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị
danh tăng Việt Nam, là quốc sư đời vua Lý Công Uẩn. Từ 1964 đến 1966, Viện Đại
Học Vạn Hạnh chỉ có 2 phân khoa Phật Học và Khoa Học Nhân Văn. Tất cả sinh viên
học tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, bởi thế thời đó thường gọi Đại Học Vạn
Hạnh là “trường chùa.”
Đến 1966, sau khi hoàn tất xây dựng, tất cả
sinh viên đều trở về trường số 222 đường Trương Minh Giảng, quận 3. Sau đó thêm
Trung Tâm Ngôn Ngữ, và năm 1967 là cột mốc quan trọng, khi trường mở thêm phân
khoa Khoa Học Xã Hội, trong đó có những ngành học mà sau khi ra trường, với văn
bằng cử nhân kinh tế, thương mại, xã hội, chính trị, và nhân chủng học, sinh
viên có thể dễ dàng được thu nhận trong xã hội, phần lớn là các ngân hàng, giữ
nhiệm vụ giám đốc, phó giám đốc, hoặc kiểm soát viên.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp từ Seattle xúc động nhận chứng chỉ tốt nghiệp
Báo Chí tại Đại Học Vạn Hạnh cấp từ 50 năm trước từ Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Hai phân khoa là Phân Khoa Giáo Dục, và
Khoa Học Ứng Dụng sau đó tiếp tục được mở thêm. Năm đầu chỉ có 396 sinh viên
nhưng đến năm 1973 số sinh viên đã lên tới 3,661 người, Khoa Học Xã Hội có sinh
viên đông nhất.
Giáo Sư Phạm Văn Phước là một trường hợp
đặc biệt. Ông về nước năm 1973 sau 10 năm du học tại Mỹ, và làm việc tại Đại
Học Vạn Hạnh. Ông nói: “Tôi vẫn luôn ghi nhớ tình Vạn Hạnh, nơi đây đã để lại
dấu ấn thật đẹp cho tới ngày hôm nay khi gặp nhau nơi này.”
Giáo Sư Phạm Thị Lệ
Hương, từng là phụ tá khoa trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, phụ tá Thư Viện
Trưởng Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh. Bà nhắc lại câu nói nổi tiếng thời đó: “Đại
Học Vạn Hạnh là trường chùa nhưng bằng cấp Vạn Hạnh không chùa” để nói rằng
sinh viên muốn ra trường phải học hành thật nghiêm túc và phải đầy đủ các chứng
chỉ hoàn tất mới được cấp bằng cử nhân.
Ban tổ chức cũng truy tầm
được một số những chứng chỉ hoàn tất của nhiều sinh viên chưa kịp phát, sau
1975 còn lưu giữ tại tàng thư của Thư Viện Viện Đại Học Vạn Hạnh, hôm nay được
mang theo và trao tận tay cho các chủ nhân, những sinh viên đã miệt mài học tập
năm xưa. Họ là những sinh viên vì thất lạc, hoặc không liên lạc được với
trường, hoặc nhiều lý do khác.
Một nghi thức trang
nghiêm và cảm động, khi Giáo Sư Phạm Thị Lệ Hương trao Chứng Chỉ năm thứ 2 Ban
Báo Chí cho ông Nguyễn Tấn Nghiệp, từ Seattle sang nhận lãnh.
Nhận chứng chỉ tốt nghiệp
đã nhuốm màu thời gian của mình sau nửa thế kỷ, ông Nghiệp xúc động nói: “Đây
là giây phút tuyệt vời nhất của tôi sau năm 1975, dù không còn tiếp tục học tại
mái trường thân yêu nữa, nhưng những giấy tờ bằng cấp của sinh viên còn giữ
được tại tàng thư của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sang Mỹ dù nhận được nhiều bằng
cấp, nhưng tờ chứng chỉ này là món quà trân quý nhất trong đời sinh viên của
tôi.”
Bà Như Hảo, giám đốc Đài
Mẹ Việt Nam, kể: “Tôi học Ban Báo Chí, Khoa Học Nhân Văn, thời ấy vừa đi học
ban đêm vừa lo cho 4 con nhỏ, cực khổ trăm bề nhưng vẫn cố gắng lo học, chẳng
may sau 1975 nghỉ học nữa đường, nhưng tôi vẫn luôn biết ơn những kiến thức
thầy cô đã truyền dạy dưới mái trường Vạn Hạnh, nhất là Giáo Sư Huỳnh Văn Tòng
dạy môn Truyền Thông Đại Chúng. Xin cảm ơn các bạn đồng môn hết lòng giúp đỡ
cho những bài học ngày ấy, vẫn được áp dụng được trong nghề truyền thông tại
hải ngoại cho tới ngày hôm nay!”
Bức hình hiếm có sau 55
năm giữa các giáo sư và cựu sinh viên Viện Đại Học Vạn Hạnh trong ngày vui hội
ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, niên trưởng đại diện 20 cựu sinh viên Khóa 3 Khoa Học Xã Hội hiện diện, thời trước là tổng thanh tra Bộ Phát Triển Sắc Tộc, cho biết thêm nét độc đáo của Khoa Học Xã Hội thời ấy là khoa đông sinh viên theo học nhất trường, và cựu sinh viên với tình đồng môn thắm thiết, luôn giúp đỡ bạn bè.
“Cựu sinh viên Viện Đại
Học Vạn Hạnh sau 1975, dù kẻ còn người mất, lưu lạc tha phương, nhưng luôn tìm
về nhau trong những lần hội ngộ.” Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, đại diện Vạn Hạnh đến
từ Úc, phát biểu.
Trước 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức
quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian
Institution of Higher
Learning), Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social
Sciences Association), và là Hội viên Sáng lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt
Nam.
Theo ban tổ chức, sau ngày hội ngộ, quý vị giáo sư và cựu sinh viên
Vạn Hạnh sẽ tham gia đi bộ do Hội Hỗ Trợ Giáo Dục Vạn Hạnh VHEF (Vạn Hạnh
Educational Foundation) tổ chức tại bãi biển Huntington Beach, Nam California,
để gây quỹ học bổng Vạn Hạnh hàng năm cho học sinh nghèo hiếu học tại Việt
Nam.
(Văn Lan)
8664280719