Bùi Thế Mỹ thuộc dòng dõi tộc Bùi, một dòng tộc nổi tiếng của huyện Duy Xuyên. Bùi Thế Mỹ sinh năm 1904, con trai trưởng của cụ Bùi Thiện quê gốc làng Vĩnh Trinh nhưng tổ tiên di cư lên sống ở làng Phú Nhuận, xã Đông An (nay là xã Duy Tân, Duy Xuyên). Bùi Thế Mỹ lại được sinh ra và lớn ở quê ngoại, làng Bảo An, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, Điện Bàn). Mẹ ông là bà Phan Thị Duyên, con gái tộc Phan làng Bảo An, một dòng tộc khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam. Bà là em gái của nhà cách mạng Phan Thành Tài (1878 - 1916).
Được hưởng truyền thống của hai gia tộc lừng lẫy, từ nhỏ Bùi Thế Mỹ đã tỏ ra rất thông minh, đĩnh ngộ. Sau khi học xong chương trình trung học với tấm bằng Thành chung, năm 1923, Bùi Thế Mỹ vào Sài Gòn dạy học và làm báo, viết văn.
Ông từng thay Trần Huy Liệu chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, rồi sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập, Tân thế kỷ, Thần chung và chủ nhiệm tờ Dân báo, tờ báo ông theo đuổi đến cuối đời. Ông ký các bút danh Hy Tô, Thông Reo và Lan Đình.
Trong thời gian làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo và tờ Trung lập, Bùi Thế Mỹ đã cùng Phan Khôi xây dựng “Phụ trang văn chương”. Mục này bước đầu giới thiệu khái quát văn học sử Việt Nam, các lý luận văn nghệ, giới thiệu văn chương nước ngoài, vấn đề đạo văn, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”… Mục Phụ trang văn chương được nhiệt liệt hoan nghênh tạo nên một dấu ấn về mặt văn học của báo chí!
Bùi Thế Mỹ là nhà báo yêu nước. Những tờ báo mà ông cộng tác hoặc đứng ra thành lập là những tờ báo tiến bộ, có uy tín ở Sài Gòn thời bấy giờ luôn thể hiện quan điểm yêu nước, đứng về phía nhân dân.
Mặc dầu là nhà báo nổi tiếng, cuối đời Bùi Thế Mỹ vẫn cảm thấy chưa hài lòng vì ông cho rằng mình là nhà báo “tay ngang” nên chưa có được những tác phẩm báo chí để đời!
Người ta nói rằng, sự nghiệp văn chương báo chí của ông đạt được như vậy, có phần đóng góp công sức của người bạn đời của ông là nữ sĩ Phương Lan, tục danh là Nguyễn Thị Lánh, tục gọi cô giáo Lánh, người cùng quê với danh nhân Tôn Đức Thắng (Cù lao ông Hổ, Long Xuyên, An Giang).
Bùi Thế Mỹ mất ngày 27.3.1943 tại Sài Gòn, hưởng dương 39 tuổi.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu đối viếng ông:
Quốc văn báo giới nhị thập tải vu kim, đương đắc bằng trù thôi lão kiện;
Nguyệt đán châu bình Ngũ Hành Sơn du tích, khẳng giao bút thiệp khuất nhân tài.
Phú Bình dịch ý:
(Trong) Đội ngũ những người hoạt động báo giới quốc văn hai mươi năm nay, (ai cũng đồng lòng) ca ngợi anh (Bùi Thế Mỹ) là tay già dặn;
(Đọc) những bài bình luận - phê bình sắc sảo của người xứ Quảng này để lại, (ai cũng) thừa nhận làng báo từ nay đã vắng một nhân tài.
Tác phẩm:
- Trà hoa vũ (dịch từ La Dame aux camélias của Alexandre Dumas fils (1824-1895).
- Vai tuồng của nhà gõ đầu trẻ. (Khảo luận)
Trong Những văn nhân chính khách một thời, Thiếu Sơn đã nghiền ngẫm về bài học của mình rút ra từ cuộc đời của gần năm mươi danh nhân như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh..., trong đó có Bài học Bùi Thế Mỹ: “Tôi không nhớ anh chết năm nào. Nếu tôi không lầm thì anh tuổi Thìn và chết hồi anh mới 39 tuổi. Anh đau cả tháng rồi mới chết. Tôi thường ra thăm anh ở tư gia. Mới đầu anh còn viết được. Sau anh không viết được nữa. Tất cả mọi việc đều một tay vợ anh quán xuyến. Người anh đã nhỏ con, ốm yếu mà càng ngày càng ốm, càng xanh. Mỗi lần tôi ra thăm anh về là mỗi lần ngậm ngùi chán nản”.
Ông Thái Văn Kiểm trong Dòng thời gian đã viết: “Bùi Thế Mỹ là một ký giả cự phách của làng báo Nam Việt trong thời kỳ tiền chiến, một kiện tướng thuộc thế hệ Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhứt, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Bá... những chiến sĩ có lý tưởng quốc gia, muốn dùng ngòi bút để phổ biến tư tưởng tự do, dân chủ, trình bày lập trường của dân tộc đang bị đô hộ, muốn đập tan xiềng xích, vươn mình lên sống mạnh theo truyền thống của một dân tộc từng có lịch sử vẻ vang”.
Vinh danh Bùi Thế Mỹ, hiện nay trên cả nước, nhiều nơi có đường phố mang tên ông.
Bùi Thế Mỹ là nhà báo tài danh và yêu nước, thể hiện ở những tờ báo mà ông cộng tác hoặc điều hành. Đó là những tờ báo lớn, có uy tín, có số bạn đọc đông đảo và có nghiệp vụ cao và cũng là những tờ báo “đối lập”, luôn đứng trên lập trường quốc gia dân tộc, đứng về phía đa số quần chúng, bảo vệ cho quyền lợi của người nghèo, người lao động. Đó là các báo: Trung lập, Thần chung, Tân thế kỷ, Đông Pháp thời báo và Dân báo. Đọc những nhận xét về các tờ báo mà ông điều hành hay cộng tác là cách gián tiếp nghe một số đánh giá về ông:
Theo ông Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. “Trung lập báo là tờ báo phát hành 15.000 tờ một ngày, đứng đầu các nhật báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tờ báo có cách trình bày đẹp trội hơn các đồng nghiệp khác”.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Thế Mỹ Web: https://baoquangnam.vn/nhan-vat/bui-the-my-nha-bao-tien-phong-nguoi-quang-113542.html
866432012023
No comments:
Post a Comment