Monday, July 14, 2014

Tôi học Đại học Vạn Hạnh


Sau khi vào học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, một tuần có đến 28 giờ thực hành, trên 10 giờ học Toán, Sinh ngữ … nên còn nhiều thì giờ rãnh, lúc đó Viện Đại Học Vạn Hạnh mới mở, tôi rũ vài bạn học cùng lớp ghi danh theo học tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, mặc dù tôi biết có Phân Khoa Phật Học, dù là một Phật tử nhưng tôi thích học Văn Khoa hơn, vì hồi còn nhỏ tôi đã mê đọc tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, lớn lên một chút đọc các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn.

Tôi nhớ cũng có vài anh ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật cùng ghi danh học với tôi, nhưng qua một mùa học thì chỉ còn lại mình tôi thôi.

Tưởng cũng cần nhắc lại, sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Giáo Hội tiến tới việc xây dựng cơ sở vật chất là Việt Nam Quốc Tự tại số 16 đường Trần Quốc Toản, có chương trình đào tạo Tăng tài như thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học, mượn chùa Pháp Hội làm văn phòng và lớp học, Viện do Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm Giám Đốc.

Sau đó, Giáo Hội xin phép chính phủ thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, ông Hồ Hữu Tường Phó Viện Trưởng, ông Trần Quang Thuận Tổng Thư ký, thành lập thêm Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn do Đại Đức Thích Thiên Ân, tốt nghiệp tiến sĩ văn chương ở Nhật làm Khoa Trưởng, mượn cơ sở chùa Xá Lợi của Hội Phật Học Nam Việt làm văn phòng và lớp học. Thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh làm Giám Đốc, mượn chùa Ấn Quang làm trụ sở văn phòng và lớp học. Viện Cao Đẳng Phật Học trở thành Phân Khoa Phật Học vẫn đặt Văn phòng và các lớp học tại chùa Pháp Hội

Viện Đại Học Vạn Hạnh mượn một dãy nhà của chùa Pháp Hội làm văn phòng, dãy nhà này gồm có 3 tầng, tầng dưới làm phòng hành chánh, Văn phòng Phân khoa Phật Học, tầng giữa văn phòng Viện Trưởng, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký, tầng trên có dành một phòng cho Thầy Nhất Hạnh ở, Thượng Tọa Viện Trưởng ở phía sau Chánh điện chùa Pháp Hội, đó là tầng lầu như chùa Xá Lợi.

Vì theo học Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn nên tôi còn nhớ khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1964-1965 tại Giảng đường chùa Xá Lợi, văn phòng gồm có ông Nguyễn Văn Tần làm Trưởng phòng hành chánh và học vụ, ông là tác giả của những quyển Lịch sử Nhật Bản do cơ sở Tự Do xuất bản, có cô Dung làm thư ký, về học phí Sinh viên đóng tiền tại Ngân hàng, cô thư ký này chỉ lo sổ sách giấy tờ, phân phát bài vở cho những sinh viên có mua bài học.

Các lớp học tổ chức vào 6 giờ chiều trở đi. Giáo sư Phân khoa này có ông Nguyễn Đăng Thục dạy Triết Đông, Thầy Nhất Hạnh dạy Tôn giáo tỉ giảo học, ông Mai Thọ Truyền dạy Tôn giáo học, giáo sư Nghiêm Thẩm dạy Thẩm Mỹ học, giáo sư Nguyễn Khắc Kham dạy về Cổ văn Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Kiết dạy về Triết Tây Phương, giáo sư Phạm Cao Dương dạy về Sử học, ông Hồ Hữu Tường dạy về Xã hội học, về sau còn có giáo sư Lê Tôn Nghiêm dạy về Triết Tây, giáo sư Lê Thành Trị dạy triết học Hiện sinh Descartes, ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần dạy về Triết Đông, giáo sư Phan Hồng Lạc dạy Hán Văn…

Thoạt đầu, Viện Đại Học Vạn Hạnh áp dụng chế độ học theo Tín chỉ, một năm chia ra làm hai mùa học: Khóa mùa Xuân và khóa mùa Thu, muốn lấy bằng Cử Nhân phải có 8 Tín chỉ.

Trong năm đầu tiên ông Hồ Hữu Tường mượn chùa Ấn Quang và nhờ Đào Mộng Nam mở dạy một lớp Sơ Cấp miễn phí “Hán Văn Cơ Bản”, trong lớp này có rất nhiều người theo học, trong đó có cô con gái ồ Hữu Tường chừng 15 hay 16 tuổi, nghe nói cô ấy biết cả ngoại ngữ La Tinh.

Nếu tôi nhớ không lầm thì vào buổi sáng ngày 12 tháng Giêng năm 1965, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng các cơ sở Viện Đại Học Vạn Hạnh tọa lạc tại số 222 Trương Minh Giảng, Quận Ba, Sàigòn. Khu đất này của Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng hiến cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Để chuẩn bị cho buổi lễ, nơi đây xây dựng hai khán đài, một khán đài chính nhìn ra đường Trương Minh Giảng, một khán đài phụ, dựng cập theo con hẻm, bên kia con đường hẻm là chùa Pháp Hoa của Thượng Tọa Tuệ Hải, chùa cất dọc theo kinh Nhiêu Lộc.

Tôi không nhớ rõ quan khách gồm có những ai, dĩ nhiên là có đại diện Bộ Giáo Dục, chư Tăng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu, quý vị Khoa trưởng, Giám Đốc, Giáo sư các Phân khoa Phật Học, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, quan khách ngồi ở khán đài chính, còn sinh viên ngồi ở khán đài phụ.

Buổi lễ tổ chức đơn giản, cũng chào cờ, diễn văn, đặt viên đá … sau khi lễ xong, hình như tự phát, sinh viên tham dự lễ thành lập liên danh tranh cử Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, mọi người đều hăng hái tham gia hay cổ động tranh cử tuy không có bích chương, truyền đơn quảng bá, nhưng buổi tranh cử diễn ra không kém sôi nổi ngay tại khán đài này.

Tôi được Đại Đức Thích Chơn Thiện mời vào liên danh - Đại Đức Thích Chơn Thiện biết tôi là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử quen thân với anh của Đại Đức cũng là Huynh Trưởng – và Đại Đức nhờ tôi giới thiệu thêm người, tôi đã giới thiệu Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nam vốn là học sinh cùng trường Kỹ Thuật Cao Thắng với tôi.
Sau khi bầu cử, liên danh chúng tôi đắc cử, sau đó liên danh sắp xếp các chức vụ trong Ban Chấp hành như sau:

- Luật sư Trần Tiến Tự, SV Phật khoa Chủ tịch
- Đại Đức Thích Chơn Thiện, SV Phật khoa Phó Chủ Tịch Ngoại vụ
- Huỳnh Ái Tông, SV VK&KHNV Phó chủ tịch Nội vụ
- Trần Thiện Bật, SV Phật khoa Tổng thư ký
- Nguyễn Đình Nam, SV Phật khoa Phó Tổng thư ký
- Nguyễn Thị Nghĩa, SV Phật khoa Thủ quỹ.

Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh được Viện cho đặt văn phòng chung với Tòa Viện Trưởng, tức là trên tầng lầu một. Ban Chấp Hành được Viện trang bị cho một chiếc bàn, khi dọn những ngăn kéo, tôi mới biết đó là bàn làm việc của Tổng Thư Ký Viện, ông Trần Quang Thuận vừa mới từ chức và ông Nguyễn Văn Minh lên thay, không hiểu vì lý do chi, ông Minh đã không dùng cái bàn ấy để làm việc, nhờ đó Ban Chấp hành được một cái bàn làm việc có bề thế.

Việc đầu tiên và quan trọng hơn hết là Ban Chấp Hành cần soạn thảo Điều Lệ cho Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, tôi được Ban Chấp Hành ủy nhiệm thành lập Ủy ban soạn thảo bản Điều Lệ, Ủy ban này gồm có đại diện của các Phân khoa. Theo gợi ý ban đầu, Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh là cơ quan thống nhất Sinh Viên Vạn Hạnh, sinh viên bầu trực tiếp Tổng Hội, Tổng Hội điều hành các ban Đại Diện Phân Khoa. Từ đó Ủy ban chúng tôi đã họp nhiều phiên họp, trong đó có anh Đồng (PK), chị Lan (VK), một sinh viên rất đẹp và rất tích cực hoạt động, mỗi tuần họp một kỳ, hơn một tháng mới hoàn tất Bản Điều Lệ để Tổng Hội Sinh Viên ban hành.

Gần đến Hè năm 1965, Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, được thư của anh Vĩnh Kha, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam, triệu tập Đại Hội các Tổng Hội Sinh Viên Huế, Sàigòn, Đà Lạt, Vạn Hạnh để bầu lại Ban Chấp hành cho nhiệm kỳ mới.
Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh cử một phái đoàn phó hội gồm có:

- Bác sĩ Trần Tiến Trâm, Cố Vấn
- Trần Tiến Tự Trưởng Đoàn
- Thích Chơn Thiện Phó Đoàn
- Huỳnh Ái Tông Phó Đoàn
- Trần Thiện Bật Thư ký

Vì không có quỹ, nên phải nhờ ông Hồ Hữu Tường, Phó Viện Trưởng có con trai là Kỷ sư Hồ Xích Tú làm Phó Tổng Giám Đốc Hàng Không Việt Nam, can thiệp xin cho chúng tôi năm vé phi cơ khứ hồi của Hàng Không Việt Nam đi từ Sàigòn đến Huế.

Phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ra Huế sớm hơn vài hôm, vì sớm quá nên Tổng Hội Sinh Viên Huế chưa lo kịp chỗ ăn ở, do đó hôm đầu tiên chúng tôi phải trú ngụ ở chùa Tường Vân của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, đương kiêm Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài là bổn sư của Thầy Chơn Thiện, còn anh Trần Tiến Tự về nhà của anh trong Thành nội.

Hôm sau, trong khi chờ đợi Tổng Hội Sinh Viên thu xếp chỗ ăn ở của Phái đoàn, Thầy Chơn Thiện nhờ một bác Phật tử có xe Peugeot đưa chúng tôi đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, người ta thường bảo đến Huế mà chưa ăn bánh bèo Vĩ Dạ, cơm Âm phủ, quên mua Tré, nem chua, nón lá bài thơ, chưa nhìn cảnh nữ sinh Đồng Khánh đi qua cầu Tràng Tiền khi tan học về thì cũng như chưa đến Huế, người có tâm hồn hơn bảo đến Huế mà chưa ngủ đò trên song Hương cũng còn thiếu dù đã vào Đại Nội hay đã viếng lăng tẩm các vua.

Nói đến Vĩ Dạ, chúng ta không thể nào không nhắc đến chuyện vì người đẹp Hoàng Thị Kim Cúc, sau làm Tổng Giám Thị Trường Đồng Khánh, đã mất vì tai nạn tại Sàigòn ngày 3-2-1989, ông đã dụng tứ làm bài thơ nổi tiếng sau đây:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
          *
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?
Có chở trăng về kịp tối nay ?
          *
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà.


Tổng Giám Thị Trường Đồng Khánh Hoàng Thị Kim Cúc

Chiều hôm đó, chúng tôi được dành cho hai phòng ngủ ở khách sạn Hương Giang trên đường Phan Bội Châu, một phòng Bác sĩ Trâm và anh Bật ở, phòng còn lại anh Tự và tôi, nhưng anh Tự ra tới Huế là về nhà, cho nên anh chẳng cần ở khách sạn, ở đó gần chợ Đông Ba, bước vài bước ra chợ ăn sáng, trưa, chiều, tối cũng tiện cho. Riêng Thầy Chơn Thiện thì về ở chùa.

Tối hôm ấy, chúng tôi được Ban Chấp Hành Tổng Hội mời đi ăn cơm Âm phủ, nơi ấy nghe nói ở cạnh sân vận động, ăn cơm vào buổi tối đèn đuốc lờ mờ, tối tăm như cõi âm, nên mới có tên là cơm Âm phủ, bửa ăn có các anh Vĩnh Kha, anh Kiêm, anh Tuấn, anh Phước, phía chúng tôi không có Thầy Chơn Thiện.

Sáng hôm sau, anh Tự hướng dẫn ba chúng tôi đi với anh đến Viện Đại Học Huế, thăm xã giao ông Viện Trưởng Bùi Tường Huân, ông Huân và anh Tự có quen biết nhau trước nên cuộc thăm viếng rất cỡi mở, thân tình. Rời văn phòng Viện Trưởng, chúng tôi trở lại cầu Đông Ba để vào thăm Thành nội, trên đường đi, có ghé ngang nhà anh Tự, một ngôi nhà trang trí nhiều đồ xưa nào bàn, ghế, bình phong … đều là những thứ chạm trổ, gỗ quí. Rồi chúng tôi đến cửa Ngọ môn, leo lên trên vào buổi trưa, gió hiu hiu thổi, chỉ muốn nằm ngủ một giấc nhưng lúc ấy người nhà anh Tự tìm đến, trao cho anh một bức điện tín, anh xé ra xem và cho chúng tôi biết, anh có việc nhà phải về Sàigòn gắp. Anh tuyên bố trao quyền Trưởng phái đoàn phó hội cho tôi.

Tưởng anh làm Trưởng đoàn và Thổ công để đưa chúng tôi thăm viếng các nơi trong Thành nội, nay anh về Sàigòn gấp, không có người hướng dẫn, chúng tôi không còn hứng thú để đi thăm viếng thêm nên trở về khách sạn chờ phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn và Đà Lạt ra để hôm sau Đại Hội.

Chiều hôm đó, được tin Phái đoàn Đà lạt đã ra đến Huế, được bố trí ở Morin, nhưng Phái đoàn Sàigòn chưa ra, họ liên lạc và cuối cùng được Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn cho họ biết là không ra tham dự Đại hội. Trước tình hình đó, Phái đoàn chúng tôi thảo luận và có nhận định rằng Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn biết Tổng Hội Sinh Viên Huế và Vạn Hạnh đã liên kết với nhau, họ khó giành được chức Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam nên không ra phó hội và Vĩnh Kha đã mãn nhiệm, nếu không bầu được Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới, thì không Ban Chấp Hành nào được quyền tuyên bố là Đại Diện cho Sinh Viên toàn quốc, cho nên Phái đoàn chúng tôi đề nghị ba phái đoàn Sinh Viên họp lại ra một thông báo chung là không có bất kỳ cá nhân hay đoàn thể nào được quyền thay mặt cho Sinh viên toàn quốc để tuyên bố bất cứ điều gì.
Do vậy, ba phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên của ba Viện Đại Học đã họp và ra thông báo chung nội dung gồm có chấp nhận mãn nhiệm của Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia, trong thời gian chưa bầu được Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới thì không có bất cứ tổ chức Sinh Viên hay Sinh Viên nào có quyền đại diện cho Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam.

Mấy hôm sau về Sàigòn, chúng tôi có gửi đến tất cả Nhật báo tại Thủ đô để nhờ đăng tải thông báo chung này.

Tôi nhớ trong khoảng thời gian Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ở Huế, có ngày Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Chủ tịch Ủy Ban hành Pháp Trung Ương Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ra Huế, được Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Vùng I tổ chức cuộc đón tiếp tại rạp hát trên đường Phan Bội Châu. Phái đoàn chúng tôi có dự nghe cuộc nói chuyện này, khi gần chấm dứt thì các anh Tổng Hội Sinh Viên Huế nói riêng với chúng tôi: "Bây giờ mời các anh đi ra trước và nên tránh khỏi nơi đây, để chúng tôi bắt đầu làm việc."

Khi ra khỏi rạp hát, chúng tôi đã thấy nhiều chiếc xe bus dàn trước cửa rạp hát, quần chúng và Sinh viên Huế chuẩn bị biểu tình phản đối chính phủ, chúng tôi về khách sạn nghỉ.

Một hôm khác, anh Phước và vài anh nữa trong Tổng Hội Sinh Viên Huế, đưa chúng tôi ra cửa Thuận An để tắm biển, cửa biển Thuận An cách cố đô Huế không xa nhưng ngoài Sinh viên chúng tôi, không có ai tắm biển hôm đó và trên bãi tắm cũng không hề có hàng quán, không có bóng người lai vãng.

Một hôm đi ngang qua đầu cầu phía thành nội, thấy có những người bày biện lễ vật ra cả lề đường, khói nhang nghi ngút, họ đang vái lạy. Nơi đó không nhà cửa ai cả, có người cho biết đó là họ cúng Cô hồn trận Kinh thành thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu ( nhằm 5-7-1885 ), trong Hạnh Thục ca của Nguyễn Nhược Thị còn ghi lại:

..........................................
Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Giãy lên, Tây mới thành môn bắn vào.
Nhường như sấm sét ầm ào,
Dẫu là núi cũng phải chao, huống thành!
Quân ta khôn sức đua tranh,
Ðem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi.
...........................................

Về Sàigòn, chúng tôi mới biết rằng anh Trần Tiến Tự có việc riêng cần về Sàigòn gắp, đó là việc anh có chân trong phái đoàn Sinh Viên Việt Nam đi Mỹ, việc làm ấy hoàn toàn trái ngược với đường lối chủ trương của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, do đó Tổng Hội đã bãi nhiệm chức Chủ tịch của anh và tôi được ủy nhiệm Quyền Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh từ đó cho đến hết nhiệm kỳ.

Hè năm đó, Sinh viên Huế có tổ chức Trại Hè của Sinh viên tại Đà Nẳng, lúc ở Huế, phái đoàn chúng tôi đã nhận lời cử Sinh Viên ra dự Trại Hè này. Do vậy, Ban Chấp Hành đã đề cử anh Nguyễn Đình Nam, Phó Tổng Thư ký làm Trưởng đoàn cùng với Sinh Viên các Phân khoa tham dự Trại Hè Sinh Viên năm 1965 tại Đà Nẳng.

Sang niên khóa 1965-1966, tôi không có ý định ra ứng cử, một là tôi không có ê-kíp làm việc, hai là tôi sẽ ra trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi sẽ được bổ nhiệm một chân giáo sư, việc này không cho phép tôi đảm nhiệm trách vụ đến cuối nhiệm kỳ. Ban Chấp Hành sắp mãn nhiệm nên thành lập Ban Tổ chức Bầu cử Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nhiệm kỳ 2, 1965-1966.

Anh Đỗ Văn Khôn, sinh viên Phật Khoa, cũng là một Huynh Trưởng tìm gặp tôi, anh đưa ra hai đề nghị: Một là tôi thành lập liên danh ra ứng cử, hai là tham gia vào liên danh của chị Cao Ngọc Phượng- ngày đó tôi chưa hề quen biết chi với chị Phượng – Nhưng theo lời anh Khôn, chị Phượng muốn tôi ra ứng cử, chị và Nhóm Sinh Viên Phật Khoa đang theo Thầy Nhất Hạnh sẽ ủng hộ liên danh của tôi. Tôi chấp nhận tham gia vào liên danh của chị Phượng.

Cuối cùng liên danh của chị Cao Ngọc Phượng đắc cử Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nhiệm kỳ 2. Liên danh này gồm có :

- Giáo sư Cao Ngọc Phượng SV PK, Chủ tịch
- Chị Nguyễn Thị Thanh SV PK, Phó Chủ tịch Nội vụ
- Anh Huỳnh Ái Tông SV VK & KHNV Phó Chủ tịch Ngoại vụ
- Anh Đỗ Văn Khôn SV PK Tổng Thư ký
- Chị Uyên SV PK Phó Tổng Thư ký
- Chị Nhất Chi Mai SV PK Thủ quỹ

Trong Ban Chấp Hành Tổng Hội nhiệm kỳ này, tôi được biết Chị Cao Ngọc Phượng du học ở Pháp về, giáo sư dạy ở Đại Học Khoa Học, anh Đỗ Văn Khôn làm việc ở phòng Thuế vụ Quận 10, chị Uyên sinh viên thuần túy, chị Nhất Chi Mai, theo trí nhớ của tôi, chị là y tá nhưng trong các tài liệu của Thượng Tọa Thích Thiện Hoa hay Hòa Thượng Thích Trí Quang đều ghi chị là giáo viên, và có một em học sinh trường Tiểu Học Tân Định đọc bài Những Ngày Đầu Của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, bày tỏ lòng tôn kính của em đối với chị vừa là cô giáo, vừa là mẹ nuôi của em.

Ban Chấp Hành Tổng Hội nhiệm kỳ này đã tổ chức một bửa cơm gây quỹ, một kỳ họp báo và tham gia biểu tình chống chính phủ đã bị Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu không đồng ý – Lần biểu tình đó, tôi về quê không tham dự được, khi lên Sàigòn chị Phượng cho biết Thầy Viện Trưởng và Ban Chấp Hành có mâu thuẩn lớn, Thầy không đồng ý Tổng Hội tham gia biểu tình theo đường lối của Viện Hóa Đạo, chị Phượng yêu cầu tôi vào gặp Thầy Minh Châu để thỉnh cầu Thầy ủng hộ Tổng Hội hoạt động theo đường lối của Viện Hóa Đạo. Về việc nầy, tôi đã vào phòng Thầy ở trên lầu chùa Pháp Hội xin Thầy thông cảm cho hoạt động của Ban Chấp Hành đã thi hành theo chủ trương của Viện Hóa Đạo. Thầy đã nói với tôi là Thầy không đồng ý Ban Chấp Hành Tổng Hội có những hoạt động theo đường lối của Viện Hóa Đạo chống chánh phủ, đem lại sự bất lợi cho Viện, vì chánh phủ có thể lấy lý do đó đóng cửa, rút giấy phép của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Sau khi gặp Thầy Viện Trưởng, tôi đã báo cáo rõ cho chị Cao Ngọc Phượng biết đường lối của Tổng Hội như hiện nay không được Thượng Tọa Viện Trưởng đồng ý, tuy nhiên Tổng Hội độc lập với Viện, Ban Chấp Hành phải đi theo nguyện vọng chính đáng của Sinh Viên. Những bất đồng của Viện và Ban Chấp Hành Tổng Hội bắt đầu từ đó, nhưng thật ra nguyên nhân còn sâu xa hơn mà cho đến nhiều năm sau này, tôi mới hiểu được. Lúc đó tôi chỉ thắc mắc tự hỏi: Viện Đại Học Vạn Hạnh là của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội đang đòi hỏi chánh phủ thực thi dân chủ, tiếng nói của Sinh Viên có sức mạnh cho công cuộc đấu tranh, tại sao Thượng Tọa Viện Trưởng lại không muốn dùng tới sức mạnh này ?

Vào khoảng tháng 2 hay 3 năm 1966, có sinh viên Hoa Kỳ Philip, Chủ tịch hội Liên Hiệp Sinh Viên Học Sinh Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình và nguyện vọng của dân chúng Việt Nam. Anh có xin gặp Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh. Buổi họp đã diễn ra tại phòng họp của THSVVH, trên lầu của Viện Đại Học, đi theo anh Philip có một người thông dịch của Tòa Đại sứ Mỹ. Anh Philip có cho biết, chánh phủ Mỹ chủ trương đánh cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phải quỳ gối xuống xin đầu hàng. Chị Phượng thay mặt THSVVH cho biết rằng Hoa Kỳ nên giúp cho hai bên lâm chiến ngồi lại với nhau, giải quyết cuộc chiến qua hội nghị, thương thuyết hơn là dùng vũ lực, thắng hay bại cũng đều gây cảnh tang thương cho dân chúng Việt Nam và chiến binh Mỹ. Sau đó Thầy Nhất Hạnh bước vào phòng họp, Ban Chấp Hành giới thiệu Thầy là Cố Vấn Ban Chấp Hành, Thầy đã nói với anh Philip rằng chiến tranh Việt Nam dù bên nào thắng hay bại, cũng gây cho người dân vô tội chết chóc thương tâm, Mỹ chủ trương đánh cho MTGPMN phải quỳ gối xin hàng, điều này không thể thực hiện được, vì chiến tranh du kích không có giới tuyến, bất quy tắc, nên khó tiêu diệt. Do đó, Hoa Kỳ nên để cho hai bên lâm chiến ngồi vào hội nghị, giải quyết với nhau trong tình Huynh đệ của người Việt Nam.

Đầu tháng 9 năm đó, tôi rời Sàigòn để lên vùng Cao nguyên dạy học, trước khi đi, ngày 23-8-1966, Ban Chấp Hành Tổng Hội có đãi tôi một bửa cơm chay tại quán Thanh Lạc Trai, quán này nằm trên đường Trần Quốc Toản, đối diện với Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Trong bửa cơm chia tay này, Ban Chấp Hành tặng cho tôi nhiều cuốn sách của nhà xuất bản Lá Bối, trong đó có quyển "nói với tuổi hai mươi" của Thầy Nhất Hạnh, tôi quí cuốn sách này vì trong ấy có chữ ký của Thầy và mấy dòng chữ viết của chị Cao Ngọc Phượng "Quà của Ban Chấp Hành T.H.S.V.V.H Thân tặng anh Huỳnh Ái Tông T.M. Ban Chấp Hành" và chữ ký của chị Phượng. Sau bửa ăn, chị Nhất Chi Mai đã đưa tôi về nhà bằng chiếc xe Volwagen của chị, đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Nhất Chi Mai. Cũng là lần cuối cùng tôi gặp chị Cao Ngọc Phượng, vì chị đã "cắt ái ly gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia" hiện nay là Sư Cô Chân Không, đệ tử thân cận và triệt để y giáo phụng hành các pháp môn mới của Thiền sư Nhất Hạnh, ở Làng Mai, Pháp quốc.

Anh Trần Tiến Tự vào thập niên 80, tôi có gặp lại anh ở trên đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi vui vẻ chào hỏi nhau, tôi thấy anh vẫn như ngày nào, không khác mấy dù đã gần 20 năm mới gặp lại, anh rủ tôi đi sinh hoạt ở Hội Trí Thức Yêu Nước, có trụ sở ở đường Nguyễn Thông, Quận Ba, tôi chỉ cười thay cho trả lời, không ngờ đó cũng là lần cuối tôi gặp Luật sư Trần Tiến Tự, có phải anh là con ong, nơi nào có mật ngọt thì ong bay tới?

Tôi lên Cao nguyên dạy học, bị động viên vào quân trường, rồi biệt phái về Cao nguyên lại nên không có tiếp tục học ở Vạn Hạnh, thời gian này tôi có ghi danh học ở Luật Khoa, có lấy bài vở đầy đủ, nhưng cũng không thời giờ học, không có thi cử chi hết.

Đến năm 1970, tôi được thuyên chuyển về Sàigòn, nên ghi danh theo tiếp tục học lại ở Phân Khoa Văn Học Và Khoa Học Nhân Văn, vì tôi đã có mấy tín chỉ, hơn nữa tôi đã tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật nên được ghi danh học năm thứ hai. Viện đã cải tổ học trình theo chế độ năm, không còn chế độ Tín chỉ nữa. Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn phát bằng Cử Nhân Văn Học Việt Nam, Cử Nhân Văn Chương Anh Mỹ, Cử Nhân Báo Chí.

Viện Đại Học Vạn Hạnh đã xây cất hoàn tất phần cơ sở chính, toàn bộ Văn phòng Viện Trưởng, các Phân Khoa và các lớp học đều ở tại cơ sở Viện Đại Học Vạn Hạnh, tọa lạc tại 222 Trương Minh Giảng, Quận 3, Sàigòn. Lúc đó ngoài hai Phân Khoa chính đã thành lập ban đầu là Phật Khoa, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện đăng xây cất thêm cơ sở gồm một dãy nhà ngang ngó mặt ra đường Trương Minh Giảng và một dãi cập theo đường hẽm, song song kinh Nhiêu Lộc để đủ cho các lớp học của Trung Tâm Ngôn Ngữ, Phân Khoa Giáo Dục, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, Thư Viện, Câu Lạc Bộ Sinh Viên và đến năm 1974, mở thêm Phân Khoa Khoa Học tại địa điểm sau này là Thiền Viện Vạn Hạnh.

Giáo sư dạy ở Văn Học và Khoa Học Nhân Văn có giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Tiến sĩ Trần Cửu Chấn (Cổ Văn Việt Nam), giáo sư Doãn Quốc Sỹ (Tiểu thuyết), Nguyễn Sỹ Tế (Phê bình văn học), Vũ Khắc Khoan (Phê bình văn học), Trần Đức Rật (Hán văn), Trần Trọng San (Bạch thoại), Bà Khưu Thị Huệ (Đàm thoại Phổ thông), Thuần Phong Ngô Văn Phát (Văn chương bình dân), Hiếu Chân Nguyễn Hoạt (Hán văn), Huỳnh Minh Đức (Hán văn),

Tôi đã hoàn tất học trình Cử nhân Văn học Việt Nam, lấy một chứng chỉ Cao học Văn Chương Việt Nam chờ Viện mở thêm chứng chỉ Cao học 2 để hoàn tất học trình Cao học thì Cộng sản chiếm Miền Nam, cuộc đổi đời đã bắt đầu từ đó.

Đi làm, đi học mãi lo sinh kế, tôi không có thì giờ tham gia vào các sinh hoạt của Sinh Viên, tôi nghĩ mỗi thời sinh hoạt thích hợp cho một lứa tuổi, thời của tôi đã bước qua rồi, những năm học ở Đại Học Vạn Hạnh đã đem lại cho tôi một kiến thức đủ để thưởng thức những áng văn hay của Văn học nước nhà và sưu tầm được những tài liệu để viết nên một tác phẩm Văn Học Miền Nam.

22-2-2009

No comments:

Post a Comment